"Một số ít tiêm kích MiG-29 đã được bàn giao. Chúng rất có ích với nỗ lực của Ukraine nhằm bảo vệ an ninh tập thể", Marcin Przydacz, cố vấn của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, cho biết hôm nay nhưng không tiết lộ số lượng và thời điểm chuyển máy bay.
Động thái diễn ra khoảng hai tuần sau khi Slovakia thông báo 4 tiêm kích MiG-29 được nước này cam kết viện trợ đã bay đến Ukraine.
Tổng thống Duda hôm 16/3 nói rằng Ba Lan đang sở hữu khoảng 10-20 tiêm kích MiG-29, nhấn mạnh đây là loại tiêm kích các phi công Ukraine đã quen vận hành và có thể sử dụng được ngay. "Các máy bay vẫn phục vụ trong không quân Ba Lan, đang trong giai đoạn cuối vòng đời nhưng phần lớn vẫn hoạt động bình thường", ông nói.
Chánh văn phòng Tổng thống Ba Lan Pawel Szrot nói rằng tổng số tiêm kích MiG-29 được chuyển cho Ukraine là "không tới 14 chiếc". Ba Lan là quốc gia vận hành nhiều MiG-29 nhất trong khối NATO.
Các thành viên NATO ở sườn đông như Ba Lan và Slovakia đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch cuối tháng 2/2022. Cam kết của Warsaw với nước láng giềng đã đóng vai trò quan trọng để thuyết phục các đồng minh châu Âu khác cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, trong đó có xe tăng chủ lực.
MiG-29 là tiêm kích hạng nhẹ được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982. Dòng MiG-29 cơ bản trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không R-27 và R-73, cùng nhiều loại bom và rocket. Chiến đấu cơ MiG-29 Ukraine cũng được điều chỉnh để mang tên lửa diệt radar AGM-88B HARM do Mỹ sản xuất.
Vũ Anh (Theo AFP)