"Nếu chúng ta không gửi thiết bị quân sự tới Ukraine trong những tuần tới, ông Putin có thể sẽ giành chiến thắng. Ông ấy có thể thắng và chúng ta không biết ông ấy sẽ dừng lại ở đâu", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trả lời hãng truyền thông Pháp Le Figaro hôm 11/2.
Lãnh đạo Ba Lan nói thêm chính quyền Ukraine có nhân lực nhưng "không có cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lập tức phản hồi tuyên bố của Tổng thống Ba Lan, nhấn mạnh ngay cả khi phương Tây nhanh chóng cấp vũ khí cho Ukraine, điều đó cũng không thể thay đổi kết quả cuộc xung đột.
"Động thái hỗ trợ vũ khí không giúp ích được gì. Chúng chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ăn năn về những gì mình đã làm là lối thoát duy nhất cho phương Tây", bà Zakharova viết trên Telegram.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 27/1 cho biết nước này sẽ viện trợ Ukraine 60 xe tăng hiện đại, trong đó có Leopard 2 do Đức sản xuất. Xe tăng Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh cũng dự kiến được giao tới Ukraine vào cuối tháng 3.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Mỹ, cho hay năng lực phản công của Ukraine phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy vũ khí phương Tây. Nước này liên tục thúc giục phương Tây nhanh chóng hỗ trợ thêm vũ khí, khi nhiều nước lo ngại Nga có thể mở cuộc tấn công mới quy mô lớn vào tháng này.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 12/2 tuyên bố chặn các tuyến đường sắt phương Tây vận chuyển vũ khí, đạn dược và các nguồn dự trữ vào Ukraine. Moskva đã nhiều lần tuyên bố sẽ phá hủy toàn bộ vũ khí mà các quốc gia thành viên NATO cung cấp cho Kiev.
Ngọc Ánh (Theo Kyiv Independent/RT)