Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách các vấn đề châu Âu Magdalena Sobkowiak-Czarnecka ngày 3/1 cho biết Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski đã gửi công hàm thông báo đại sứ Hungary "không phải khách mời được chào đón" tại buổi lễ Warsaw tiếp quản chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU).
Theo Sobkowiak-Czarnecka, quyết định này được đưa ra sau những tranh cãi liên quan đến Marcin Romanowski, người giữ chức thứ trưởng tư pháp trong chính phủ Ba Lan khi đảng Luật pháp và Công lý (PiS) còn nắm quyền.
PiS đánh mất quyền lực sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cuối năm 2023, mở đường để ông Donald Tusk, người có quan điểm thân châu Âu, trở thành tân Thủ tướng Ba Lan.
Công tố viên Ba Lan sau đó cáo buộc Romanowski 11 tội danh, trong đó có tham gia băng đảng tội phạm và biển thủ gần 40 triệu euro (41 triệu đô la) từ quỹ dành cho nạn nhân của tội phạm.
Cảnh sát Ba Lan bắt Romanowski vào tháng 7/2024, nhưng tòa án sau đó phán quyết việc giam ông là bất hợp pháp vì Romanowski được miễn tố do là thành viên Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu (PACE). Romanowski được thả nhưng đã rời khỏi đất nước vào đầu tháng 12/2024, sau khi PACE thu hồi quyền miễn trừ và một tòa án phát lệnh bắt ông này.
Cựu thứ trưởng Romanowski đã đến Hungary và được chính phủ Thủ tướng Viktor Orban, một đồng minh của PiS, cấp quy chế tị nạn. Quyết định này đã châm ngòi tranh cãi ngoại giao giữa Ba Lan và Hungary. Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski gọi động thái này Thủ tướng Orban là "hành động thù địch".
Tranh cãi giữa hai nước phủ bóng lên lễ chuyển giao chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU từ Hungary sang Ba Lan diễn ra tối 3/1 tại Warsaw với khẩu hiệu "An ninh, châu Âu!".
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto gọi việc Ba Lan cấm đại sứ Hungary dự buổi lễ chuyển giao là "thảm hại và ấu trĩ".
Chức chủ tịch Hội đồng EU được các nước thành viên luân phiên nắm giữ trong 6 tháng, với nhiệm vụ định hình chương trình nghị sự của khối.
Kể từ khi ông Tusk lên nắm quyền, mối quan hệ giữa Ba Lan với Hungary ngày càng xấu đi. Thủ tướng Hungary Orban được xem là người có lập trường thân thiện với Nga nhất trong giới lãnh đạo các nước thành viên NATO. Ông nhiều lần kêu gọi liên minh hạn chế can thiệp vào xung đột Ukraine, ủng hộ thúc đẩy đàm phán thay vì viện trợ vũ khí cho Kiev và kéo dài xung đột.
Ông cũng nhiều lần phản đối Ukraine gia nhập NATO, lo ngại những hệ quả khó lường đến địa chính trị châu Âu.
Phát biểu tại lễ chuyển giao chức chủ tịch EU cho Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cho rằng EU phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine. "Ukraine phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine nhiều nhất có thể và trong thời gian cần thiết để giành được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài", ông Costa nói.
Huyền Lê (Theo AFP, AP, Reuters)