Chiều 26/9, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn gồm 14 người.
Bà Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khóa 16, nhiệm kỳ 2015-2020 tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khóa 17, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bà Thanh quê Gia Viễn, Ninh Bình, là cử nhân Lịch sử, cao học Luật, ủy viên Trung ương khóa 12. Trưởng thành từ công tác Đoàn, bà Thanh từng đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Trung ương Đoàn khóa 8, 9; Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Trưởng ban Thanh niên trường học, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, Phó bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn...
Từ năm 2011, bà được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tháng 12/2017, theo sự phân công của Bộ Chính trị, bà Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khóa 16, nhiệm kỳ 2015-2020, thay ông Trần Sỹ Thanh được phân công giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Tại hội nghị, các ông Hoàng Văn Nghiệm, Hồ Tiến Thiệu tái đắc cử Phó bí thư Tỉnh ủy. Ủy ban Kiểm tra cũng được bầu gồm 11 ủy viên. Bà Đoàn Thị Loan, Chánh Thanh tra tỉnh được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính biểu dương thành tựu mà Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua. Tuy vậy, Lạng Sơn vẫn còn một số hạn chế, quy mô kinh tế nhỏ; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có cải thiện nhưng còn đứng ở nhóm trung bình của cả nước (năm 2019 xếp thứ 50/63 tỉnh thành). Công tác xây dựng Đảng chuyển biến chậm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là an ninh nông thôn...
Vì vậy, ông Chính đề nghị tỉnh đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế xã hội, trong đó trọng tâm là ba đột phá chiến lược gồm: tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và kinh tế đối ngoại; phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Lạng Sơn cần phát triển mạnh kinh tế biên mậu, cửa khẩu, các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất nhập khẩu lớn của cả nước; đồng thời đẩy mạnh kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.