Ngôn ngữ giao tiếp đa dạng
Các bài thi chuẩn hoá thường hướng người học tới việc giao tiếp một cách rất trang trọng, học thuật. Việc giao tiếp như vậy phù hợp với môi trường đại học, trong giao tiếp với giáo sư, giảng viên hay trong các bài thuyết trình, phát biểu. Tuy nhiên, tôi nhận ra trong giao tiếp đời thường, cách sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, tiếng lóng, viết tắt khác so với khi tôi học nói IELTS. Tự tin với điểm thi Speaking (nói), tôi vẫn không khỏi lúng túng khi nói chuyện với bạn bè tại Mỹ.
Ví dụ, ngay từ cách mở đầu một cuộc nói chuyện, chúng ta đã quá quen với mẫu câu như "Hi" hay "Hello". Tôi nhận ra cách mọi người mở đầu câu chuyện hay chào hỏi đa dạng hơn rất nhiều, "how are you", "how is it going?", "What's up?", "any new things"... Trong khi nói chuyện, những cụm từ viết tắt cũng được sử dụng rất nhiều như EAT (Estimated Arrival Time - Tôi sẽ tới trong khoảng bao lâu nữa), Wyd (What're you doing - Bạn đang làm gì đấy). Học những cụm từ này không phải một điều bắt buộc hay cực kỳ quan trọng, nhưng nó sẽ phần nào cho bạn thấy sự khác biệt giữa tiếng Anh trong trường lớp và ngôn ngữ sử dụng trong cuộc sống.
Nói giọng Anh-Anh hay Anh-Mỹ không quan trọng
Khi học tiếng Anh, nhiều người thích và bắt chước giọng Anh-Anh hoặc Anh-Mỹ. Không ít người ám ảnh về việc này, ngoài điểm số, họ thường có cuộc "cạnh tranh ngầm" xem ai nói "chuẩn" giọng Anh-Anh hay Anh-Mỹ hơn.
Tôi thấy điều này không còn quan trọng nhiều khi tới Mỹ. Không ai đi sửa giọng của bạn cả. Nước Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc, cộng đồng, nên có hàng trăm chất giọng khác nhau khi nói tiếng Anh. Bạn có thể nói giọng Anh - Tây Ban Nha, Anh - Nigeria, Anh - Nhật Bản hay chất giọng Anh đặc trưng của người Việt cũng không ai quan tâm. Tất nhiên, đó có thể là một nhận định chủ quan dựa trên quan sát thực tế vì tôi biết rằng có nhiều người sẽ dựa vào chất giọng để đánh giá một vài cá nhân. Tuy vậy, xét trên mục đích giao tiếp, miễn là bạn nói đúng và biểu đạt gãy gọn điều mình muốn chia sẻ, không mấy ai quan tâm xem bạn nói chất giọng nào và đến từ đâu.
Ở Việt Nam, nhiều người coi việc nói nhanh, nói chuẩn giọng, sử dụng từ ngữ hàn lâm là một chuẩn mực của người học giỏi tiếng Anh. Nhưng khi bạn đi học tại một đất nước khác, tiếng Anh quả thật chỉ còn là công cụ, không phải là một thước đo xem ai thông minh, giỏi giang hơn như ở Việt Nam.
Nhiều giáo sư đại học Mỹ nói rất từ tốn và chậm rãi. Do đó, bạn không cần nói chuẩn giọng Anh - Mỹ, bạn không cần nói liến thoắng, điều bạn thực sự cần là nói trúng, đúng, đủ với thái độ tôn trọng, từ tốn.
Đôi lúc không nói được một câu hoàn chỉnh
Cảm giác bất lực vì một suy nghĩ trong đầu không thể thoát ra trọn vẹn bằng tiếng Anh là điều nhiều người mắc phải trong thời gian đầu ở nước ngoài hay trong tình huống bắt buộc phải nói tiếng Anh 100%. Khi nói tiếng Anh ở Việt Nam, những tình huống chúng ta phải trao đổi, tiếp cận vẫn còn ít ỏi và gói gọn trong những chủ đề phổ biến. Ngoài ra, chúng ta luôn có thể dùng tiếng Việt.
Đi du học, tôi phải đối diện nhiều chủ đề học thuật hơn - học thuật không chỉ ở cách dùng từ hay ngữ pháp, mà còn ở nội dung hay lý thuyết. Khi phải tranh luận về ảnh hưởng của truyền thông lên chính trị Mỹ, tôi nhận ra mình không tư duy kịp bằng tiếng Anh để phản xạ trước những tranh luận của bạn cùng lớp một cách nhanh chóng. Ở cấp độ thấp, bạn chỉ nghĩ một từ tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh trong đầu nhưng ở cấp độ cao hơn, nếu không thể tư duy theo ngôn ngữ bạn đang học, bạn phải chuyển ngữ câu hỏi sang tiếng Việt, nghĩ câu trả lời bằng tiếng Việt, dịch ngược ra tiếng Anh rồi trả lời lại bằng tiếng Anh.
Bùi Minh Đức