Khả năng thứ nhất là tình hình xấu đi. Khả năng thứ hai là tình hình cơ bản vẫn như cũ. Rồi khả năng thứ ba là tình hình khá lên.
Luôn suy nghĩ như vậy, nên nếu tôi có cháu, có lẽ tôi sẽ bị gọi là “ông nội ba khả năng”. Nhưng đó là một trong những phương pháp đánh giá và phân tích tình hình ít có khả năng đưa đến kết quả sai.
Phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) được đưa ra ngày hôm qua 12/7 cũng như vậy. Đó là một phán quyết có lợi cho Philippines, với hàm ý bác bỏ cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đang dựa vào đó để nêu yêu sách về chủ quyền của mình đối với phần lớn biển Đông. Hầu hết mọi người đều chỉ hiểu đơn giản như vậy.
Nhưng đằng sau nó, hàm chứa ba khả năng. Khả năng thứ nhất là tình hình sẽ cơ bản không thay đổi nhiều. Tình hình thực tế đã xấu rồi. Trung Quốc đã tôn xong các đảo đá nhân tạo và đạt được cái họ muốn. Tình hình thế giới, khu vực và so sánh lực lượng hiện nay khiến không bên nào dám mạo hiểm vì rút dây có thể động rừng, lợi bất cập hại vì lợi ích quá ràng buộc giữa các bên.
Khả năng thứ hai là tình hình xấu đi. Trung Quốc sẽ lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ, đánh chiếm thêm các đảo ở Biển Đông, tạo căng thẳng mới ở khu vực, Mỹ nhảy vào can thiệp... Tình hình xấu là do Trung Quốc nhận định rằng họ đang "bị dồn" vào đường cùng, Mỹ thì chưa sẵn sàng trong khi cái giá Trung Quốc phải trả không quá lớn và "được" nhiều hơn "mất".
Khả năng thứ ba, là tình hình khá lên theo nghĩa khu vực có an ninh và ổn định hơn trước. Tuy bác bỏ phán quyết "bất lợi" của PCA, và liên tục nói Trung Quốc không bị ràng buộc của phán quyết, song trên thực tế Trung Quốc rất lo ngại và không muốn một phán quyết bất lợi. Nhưng dù trong bất kì hoàn cảnh nào, phán quyết của PCA có tính ràng buộc đối với tất cả các thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển - UNCLOS 1982 và không muốn bị ràng buộc thì Trung Quốc phải rút khỏi UNCLOS trước ngày ra phán quyết. Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, và đã dùng chính Công ước này làm vũ khí đấu tranh để bảo vệ chủ quyền trên biển của họ trong hai thập kỷ qua.
Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc vẫn chịu ràng buộc bởi phán quyết của PCA cho dù có phủ nhận nó. Việc thiết lập một ADIZ biển Đông là sự áp đặt quyền kiểm soát của Trung Quốc lên một phần hải phận và không phận quốc tế theo UNCLOS, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm lợi ích quốc gia của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Muốn trở thành siêu cường và đóng vai trò trách nhiệm trên quốc tế thì trước hết Trung Quốc phải hành xử theo luật. Mạnh như siêu cường Mỹ mà cũng không dám hành động trái Luật pháp quốc tế.
Ba khả năng trên đều có thể xảy ra. Việc thiên về khả năng nào còn phụ thuộc vào mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế, những đánh giá hơn thiệt của Trung Quốc khi lượng định về các tác động có thể có đối với các bước đi tiếp theo của Trung Quốc.
Nhưng cho dù là khả năng nào, theo tôi phán quyết của PCA sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các nước khu vực và cộng đồng quốc tế đấu tranh bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lí của Trung Quốc.
Và tất nhiên, đó là một phán quyết mà Việt Nam có thể tận dụng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.