Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức và thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 05 - 11/7. Ông liệt kê ba kết quả quan trọng, nổi bật của chuyến đi.
Lãnh đạo cấp cao cả Đức và Hà Lan đều khẳng định Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong ASEAN, đề cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế phát triển năng động, có vị thế, vai trò trong ASEAN.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao để tạo sự tin cậy, gắn bó. Hai bên nhấn mạnh quan hệ song phương đã bước vào giai đoạn mới trên cơ sở quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau và cần làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, hợp tác văn hóa và các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, lao động cũng được các bên quan tâm, như tại Đức là vấn đề đào tạo sinh viên cho Việt Nam, đối với những ngành Việt Nam cần như công nghệ cơ khí, điều dưỡng viên; tại Hà Lan là những lĩnh vực thỏa thuận hợp tác như ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nước và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cảng biển, dịch vụ logistic.
"Tóm lại, tôi nghĩ hợp tác kinh tế với Đức và Hà Lan lần này rất có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả cụ thể, trên tinh thần trước đây của lãnh đạo cấp cao và đặc biệt lần này các doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác rất cụ thể qua các dự án, làm sâu sắc hơn quan hệ hai bên", Thứ trưởng nói. "Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, giao lưu trao đổi văn hóa cũng được cụ thể hóa".
Trả lời câu hỏi về ý nghĩa việc Thủ tướng được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng việc đó "cho thấy vai trò và vị thế của ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực".
Thứ trưởng cho biết trong phiên hai, Hội nghị dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bài phát biểu chính. Thủ tướng đã nêu rất cụ thể về phát triển bền vững, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và kế hoạch của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; chia sẻ những ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017, nhất là về vấn đề thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà là toàn cầu. Đồng thời, Đức cũng mời Thủ tướng phát biểu tại phiên 4 về Số hóa, trao quyền cho phụ nữ và Việc làm.
Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, xây dựng Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung, Thứ trưởng cho biết.
"Sự tham gia tích cực và hiệu quả của đoàn Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam tại Hội nghị", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét.
Phương Vũ