Vật lý là môn học nằm trong tổ hợp Khoa học tự nhiên, được nhiều học sinh lựa chọn để xét tuyển vào các trường đại học và đánh giá khó đạt điểm cao trong các kỳ thi. Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điểm thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua, Vật lý và Ngữ văn là hai môn có ít điểm 10 nhất.
Tại buổi chia sẻ lộ trình học tập dành riêng cho học sinh sinh năm 2004, thầy Đỗ Ngọc Hà - giáo viên môn Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã hướng dẫn học sinh lộ trình học tập để chinh phục điểm 9 trở lên.
Xuất phát sớm là một lợi thế
Theo thầy Hà, thời gian học tập là yếu tố quan trọng hàng đầu, quá trình ôn tập như cuộc đua. Với học sinh sinh năm 2004, thế hệ bị ảnh hưởng ba năm liên tiếp bởi dịch bệnh, việc ôn luyện sớm là một lợi thế, có nhiều thời gian ôn tập giúp các em tối ưu hóa điểm số tốt nhất. Thời gian vàng để xây dựng lộ trình học tập cho năm học cuối cấp nên bắt đầu ngay từ mùa hè (tháng 7) đến tháng 6/2022.
Đối với môn Vật lý, thầy Hà lưu ý học sinh sinh năm 2004 cần xây dựng lộ trình học tập lấy kỳ thi Tốt nghiệp THPT làm trung tâm. Từ thực tế kỳ thi Tốt nghiệp THPT của học sinh sinh năm 2003 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc cạnh tranh vào trường đại học, đặc biệt là khối trường top càng khốc liệt hơn. Theo đó, phương án tuyển sinh đa dạng nhưng phải thay đổi liên tục, nhiều trường đại học dự kiến tổ chức kỳ thi riêng đều phải tạm hoãn và chưa có kế hoạch thực hiện lại. Do đó, kết quả của kỳ thi Tốt nghiệp THPT vẫn được coi là điểm số quan trọng để xét tuyển vào các trường.
Thầy Hà khuyên học sinh nên ôn tập xen kẽ các môn và phân bổ thời gian ôn tập theo từng chương kiến thức. Trong một ngày học sinh tập trung học có thể từ 8 đến 9 tiếng, cần phân bổ thời gian trung bình cho cả ba môn. Các em cũng nên dành 2 - 3 tiếng mỗi ngày cho môn Vật lý và thời gian còn lại cho các môn khác.
Học sinh cũng cần tránh tình trạng ôn tập dồn dập vào các tháng cuối trước kỳ thi. Các em có thể sắp xếp, điều chỉnhQ thời gian học tập hợp lý nếu có kế hoạch tham gia các kỳ thi riêng của trường đại học.
Lộ trình ôn luyện ba giai đoạn
Thầy Đỗ Ngọc Hà đưa ra lộ trình tham khảo dành cho học sinh sinh năm 2004 như sau:
Giai đoạn 1 (từ 20/7 - 24/12): Tổng ôn, học tập chắc chắn kiến thức có khả năng thi.
Đề thi Tốt nghiệp THPT môn Vật lý dành cho học sinh sinh năm 2004 vẫn sẽ có cấu trúc tương tự đề thi các năm trước. Trong đó,kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 90%, 10% là kiến thức lớp 11 và có thể liên quan đến lớp 10. Do đó, học sinh phải tập trung ôn tập cả hai phần kiến thức này, không nên có tâm lý bỏ kiến thức lớp 11.
Ở giai đoạn tổng ôn này học sinh cần phân bổ thời gian học có chất lượng, học và luyện tập từng dạng bài, phân chia thời gian ôn tập từng chương theo tỷ lệ điểm số. Trong đó, ôn tập kiến thức lớp 12 thời gian ôn tập từ 20/7 đến 24/11. Đây là phần kiến thức tập trung câu hỏi, bài tập vận dụng, vận dụng cao để học sinh chinh phục điểm 9 trở lên. Do vậy, với phần kiến thức lớp 12 học sinh phải ôn vừa rộng, vừa sâu.
Chương |
Thời gian học |
Dao động cơ (Đây là chương đầu tiên phải học. Là chương quan trọng nhất, tiền đề tiên quyết để học các chương sau. Phần con lắc lò xo (biến cố) có thể xuất hiện trong các câu hỏi vận dụng cao.) |
Khoảng 60 giờ (từ 20/7 đến 23/8) |
Sóng cơ |
Khoảng 25 giờ (từ 24/8 đến 10/9) |
Dòng điện xoay chiều (Chương có phần kiến thức khó nhất.) |
Khoảng 65 giờ (từ 11/9 đến 15/10) |
Dao động điện từ |
Khoảng 10 giờ (từ 16/10 đến 21/10) |
Sóng ánh sáng |
Khoảng 17 giờ (từ 22/10 đến 31/10) |
Lượng tử ánh sáng |
Khoảng 13 giờ (1/11 đến 7/11) |
Hạt nhân nguyên tử |
Khoảng 17 giờ (8/11 đến 18/11) |
Với kiến thức lớp 11, học sinh nên ôn tập trong khoảng thời gian 19-24/11. Từ đề thi Tốt nghiệp THPT môn Vật lý năm 2021, các câu hỏi phần kiến thức lớp 11 thường khá dễ lấy điểm: câu hỏi lý thuyết ứng dụng hiện tượng điện phân, định luật Vật lý 11... Trong phần kiến thức này, học sinh ôn rộng nhưng không đi sâu, sa đà vào các phần kiến thức khó.
Chương |
Thời gian học |
Điện học |
Khoảng 20 giờ (ngày 19-30/11) |
Từ học |
khoảng 10 giờ (từ 1-6/12) |
Quang học |
Khoảng 20 giờ (7-15/12) |
Thực hành Vật lý |
Khoảng 2 giờ (từ 16-20/12) |
Giai đoạn 2 (từ 25/12/2021 - 6/2022): Kết hợp luyện đề, rà soát kiến thức và ôn luyện các vấn đề khó.
Giai đoạn này là thời gian để học sinh rà soát toàn bộ kiến thức, vấn đề nào khó, chưa hiểu kỹ, học sinh nên đi sâu vào ôn tập "vá" các lỗ hổng kiến thức. Đồng thời, học sinh cũng bắt đầu chuyển sang luyện đề, tập trung vào các dạng bài vận dụng, vận dụng cao kết hợp rèn tâm lý phòng thi vững vàng.
Bắt đầu luyện đề học sinh có thể cảm thấy khó do lượng kiến thức ở từng chương rất lớn, dẫn tới hoang mang, không thể nhớ hết. Thầy Hà đưa ra một mẹo nhỏ là học sinh có thể bắt đầu từ những phần kiến thức bản thân cảm thấy chưa nắm chắc để luyện tập, làm nhiều bài tập sẽ giúp "tô đậm" lại phần kiến thức đó. Các em nên rà soát lại các phần kiến thức, phần nào chưa vững sẽ tiếp tục ôn lại cả lý thuyết và bài tập.
Giai đoạn 3 (từ tháng 4 - 6/2022): Ôn luyện chọn lọc, tối đa hóa điểm số
Theo thầy Hà, giai đoạn ba thường rơi vào khoảng 3 tháng trước kì thi. TBên cạnh việc luyện đề thường xuyên, học sinh nên rà soát lại kiến thức ở mức độ trọng tâm nhất, đồng thời rút ra kinh nghiệm trong quá trình làm bài. Theo đó, các em cần học các phương pháp giải nhanh gọn; một số mẹo trong xử lý các dạng bài về đồ thị, kỹ năng sử dụng máy tính casio... nhằm tối đa hóa điểm số theo năng lực cá nhân.
Học sinh sinh năm 2004 bước vào năm học cuối cấp có thể còn gặp nhiều thay đổi và khó khăn, song đó cũng là động lực để các bạn nỗ lực, nâng cao ý thức học tập, xây dựng lộ trình toàn diện để bứt phá và giành điểm số cao trong kỳ thi sắp tới.
Thiên Minh