Ngày 19/1, ông Mao Quyết Thắng, Phó phòng Quản lý đô thị, UBND TP Hà Giang, cho biết dự kiến ngày 30/1 địa phương sẽ làm lễ gắn biển ba tuyến đường, phố mới mang tên các liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên, Lê Trần Mãn và Nguyễn Viết Ninh. Việc này thực hiện theo nghị quyết HĐND tỉnh Hà Giang tháng 12/2020.
Ba liệt sĩ thuộc biên chế các đơn vị từng chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên giai đoạn 1984-1985, được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng thời điểm tháng 8/1985.
Đường Hoàng Hữu Chuyên dài 3,2 km, rộng 16,5 m, điểm đầu nối quốc lộ 2 và điểm cuối thuộc kho K8. Liệt sĩ Chuyên quê xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2.
Đại úy Chuyên hy sinh ngày 12/7/1984, trong trận đánh giành lại cao điểm 233 với quân Trung Quốc. Trận đánh nằm trong chiến dịch MB84, nhiều đơn vị tham gia nhằm lấy lại các cao điểm quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/1984. Đại úy Chuyên hy sinh lúc 32 tuổi, để lại vợ cùng hai con trai, một con gái.
Đường Lê Trần Mãn dài 660 m, rộng 11,5 m thuộc khu tái định cư thôn Châng, xã Phương Thiện. Con đường mang tên y tá Lê Trần Mãn, quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), là thượng sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356.
Thượng sĩ Mãn hy sinh tháng 1/1985 trong trận chiến giữ chốt trên cao điểm 685, nơi được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ". Bộ đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Hoàng Đan, đã tổ chức hàng trăm trận đánh trong hơn ba tháng, tái chiếm và giữ vững cao điểm 685.
Phố Nguyễn Viết Ninh mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Sư đoàn 356, dài 305 m và rộng 16,5 m, thuộc tổ 7 phường Quang Trung. Anh Ninh là trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, nổi tiếng với lời thề Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử khắc trên báng súng.
Liệt sĩ Ninh hy sinh tháng 1/1985, trong trận đánh giữ cao điểm 685, sau ba lần bị thương nặng ở chân và đầu. Gần ba mươi năm nằm cùng đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, hài cốt anh được đưa về an táng tại quê nhà, xã Minh Hòa (Yên Lập, Phú Thọ), tháng 12/2014. Mộ phần liệt sĩ nằm trong khu vườn của gia đình, cạnh mẹ cha, giữa bát ngát chè xanh.
"9 chữ khắc trên báng súng của Nguyễn Viết Ninh đã trở thành lời thề của người lính Vị Xuyên chúng tôi suốt những năm chiến đấu giữ gìn biên cương phía bắc. Ai cũng đau đáu một điều, rằng phải giữ đất, không cho quân Trung Quốc tràn xuống Hà Giang", ông Thái Khắc Ba, nguyên đại đội trưởng Đại đội 5 chia sẻ khi đưa hài cốt liệt sĩ Ninh về quê nhà.
Lời thề ấy sau này được khắc trên bức phù điêu ở Đài tưởng niệm nằm trên cao điểm 468 thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).
Ông Nguyễn Văn Kim, cựu chiến binh Sư đoàn 356, người ba lần gửi đơn đến chính quyền các cấp Hà Giang kiến nghị đặt tên đường theo tên ba anh hùng liệt sĩ, chia sẻ: "Đây là quyết định sáng suốt, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, để thế hệ sau không lãng quên những người đã ngã xuống bảo vệ biên cương của Tổ quốc".
Hà Giang, nơi chiến sự tiếp diễn khốc liệt suốt mười năm sau cuộc chiến tháng 2/1979. Mặt trận Vị Xuyên trở thành "thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí" của quân Trung Quốc. Từ năm 1984 đến 1989, Trung Quốc điều hơn nửa triệu quân tiến công biên giới Hà Giang, tập trung vào Vị Xuyên. Hơn hai triệu quả đạn pháo Trung Quốc trút xuống mảnh đất này.
Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên tổng kết, chín sư đoàn chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội Việt Nam trực tiếp tham chiến, hơn 4.000 bộ đội hy sinh. Hàng nghìn thanh niên tuổi đôi mươi đi về phía "lò vôi thế kỷ" không hẹn ngày về. Đến nay, vẫn còn hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa thể quy tập.
Hoàng Phương