Chữa bệnh ung thư là một quá trình kéo dài, chậm chạp và đắt đỏ. Sau hàng chục năm nghiên cứu, giới khoa học có một số đột phá trong phương pháp điều trị, nhưng những thay đổi chưa đáng kể. Hầu hết chuyên gia tỏ ra dè dặt với các công trình mới. Họ luôn xoa dịu những kỳ vọng quá hão huyền bằng cách khẳng định: "Không có loại thuốc tiên (đối với bệnh ung thư) và sẽ không bao giờ có trong tương lai".
Tuy nhiên, hơn 50 năm sau khi phương Tây lần đầu tuyên bố bước vào "cuộc chiến chống lại bệnh ung thư", thế giới dần thu được quả ngọt. Đến nay ung thư đã không còn là bản án tử.
Một trong những loại thuốc tiềm năng là thuốc liên hợp kháng thể (ADC), tồn tại hơn hai thập kỷ, song chỉ được chú ý nhiều trong những năm gần đây. Loại thuốc ADC đầu tiên là Mylotarg (gemtuzumab ozagamicin) được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận năm 2000. Loại thuốc mới nhất là Mirvetuximab soravtansine được cấp phép năm 2022.
ADC khác với các loại thuốc hóa trị liệu truyền thống. Các loại hóa trị liệu kiểu cũ hoạt động bằng cách tấn công các tế bào đang phát triển nhanh trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng không chọn lọc tế bào bị bệnh mà ảnh hưởng cả những phần mô khỏe mạnh. Đây là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ phổ biến.
ADC giải quyết các vấn đề đó, nó nhắm vào những vùng cụ thể. Thuốc được tiêm dưới dạng truyền tĩnh mạch, tạo thành từ ba phần: một kháng thể đơn dòng nhắm vào các tế bào ung thư, một hóa trị giết chết tế bào ung thư, một protein liên kết giữ cả hai lại với nhau.
Khi bệnh nhân được truyền dịch, kháng thể đơn dòng nhắm vào những protein đặc trưng của tế bào ung thư. Sau khi kháng thể đơn dòng giúp thuốc gắn vào tế bào ung thư, tế bào sẽ hấp thụ thuốc. Hóa trị sau đó được giải phóng bên trong tế bào ung thư, giết chết các tế bào này.
Nói cách khác, ADC nhắm mục tiêu cụ thể vào các tế bào ung thư, cung cấp hóa trị liệu từ bên trong. Như vậy, hóa trị không hoạt động trong máu, giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh tránh khỏi tổn hại, ngăn ngừa các tác dụng phụ phổ biến.
ADC điều trị nhiều loại ung thư, như ung thư vú, ung thư bàng quang và ung thư máu. Tính đến tháng 8/2022, FDA đã chấp thuận 12 loại thuốc ung thư dạng ADC.
Các loại thuốc, vaccine điều trị ung thư từ công nghệ mRNA cũng hứa hẹn trở thành liệu pháp tiềm năng trong tương lai. Moderna và BioNTech đang sử dụng công nghệ mRNA để sản xuất vaccine và các liệu pháp giúp điều trị, ngăn ngừa khối u ác tính tái phát.
Công nghệ mRNA được sử dụng để sản xuất vaccine Covid-19 dựa trên nguyên lý đưa mRNA vào cơ thể người để kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công một loại virus cụ thể. Vaccine được được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân với mã di truyền mRNA tìm thấy trong chính khối u của họ.
Sau khi bị tiêu diệt khối u, cơ thể hình thành trí nhớ miễn dịch. Các tế bào ung thư còn lại trong máu sẽ tiếp tục bị tế bào T tiêu diệt trong tương lai, ngăn ung thư tái phát.
Công nghệ này đang được thử nghiệm để tìm ra các liệu pháp điều trị và ngăn ngừa bệnh ung thư tái phát. Nếu những phương pháp này có hiệu quả (điều sẽ sáng tỏ ít nhất sau một hoặc hai năm nữa), chúng sẽ gia nhập hàng ngũ các liệu pháp miễn dịch giúp cơ thể chống lại khối u.
Vaccine được ứng dụng để điều trị khối u tuyến tụy. Trong nghiên cứu được công bố tại Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, một nửa số bệnh nhân được tiêm vaccine không mắc bệnh sau 18 tháng.
Ung thư tuyến tụy là một trong số những loại ung thư nguy hiểm nhất, 90% bệnh nhân tử vong trong vòng hai năm sau khi được chẩn đoán. Tỷ lệ sống sót và đột phá trong điều trị vẫn không cải thiện sau nhiều thập kỷ.
Chính phủ Anh mới đây cũng tuyên bố sẽ hợp tác với công ty BioNTech của Đức để thử nghiệm vaccine mRNA điều trị ung thư. Các bệnh nhân sẽ được tiếp cận sớm với các thử nghiệm liên quan đến liệu pháp mRNA được cá nhân hóa, gồm vaccine ung thư, nhằm thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công tế bào có hại. Vaccine sử dụng cho bệnh nhân giai đoạn đầu và giai đoạn cuối.
Ngày 6/1, BioNTech cho biết sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển mới ở Anh, làm việc cùng phòng thí nghiệm Cambridge, đặt mục tiêu cung cấp 10.000 liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư từ tháng 9/2023 đến cuối năm 2029.
Nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân dựa trên công nghệ mRNA cũng là mục tiêu ban đầu của BioNTech, trước khi hãng hợp tác với Pfizer cho ra đời vaccine Covid-19.
Một trong những bước phát triển thú vị nhất trong cuộc chiến chống ung thư là sự ra đời của liệu pháp miễn dịch dựa trên tế bào, phương pháp được cá nhân hóa giúp tiêu diệt ung thư bằng cách sử dụng các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân. Các tế bào sống sẽ được sử dụng như một loại thuốc điều trị bệnh. Như vậy, liệu pháp tận dụng khả năng nội tại của hệ miễn dịch để tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bất thường trong cơ thể.
Các tế bào chuyên biệt của hệ miễn dịch được thiết kế để nhận ra các protein đặc biệt của bệnh nhân ung thư hoặc được phân lập có chọn lọc từ khối u bệnh nhân, sau đó phát triển với số lượng lớn trong phòng thí nghiệm rồi truyền lại cho bệnh nhân.
Liệu pháp miễn dịch tế bào có thể ứng dụng để điều trị các khối u rắn mà không làm hại các mô khỏe mạnh.
Thục Linh (Theo GooDrx, NIH)