Ba loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép gồm Molravir 400 của Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty cổ phần Hóa - dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.
Trong 3 đơn vị được cấp phép khẩn cấp này, Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) là doanh nghiệp duy nhất đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Mekorphar được thành lập từ năm 1975, tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 - thành viên của Tổng công ty Dược Việt Nam. Công ty hoạt động chủ yếu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu, hóa chất...
Mekophar vốn là một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá tốt nhưng bắt đầu giảm phong độ những năm gần đây. Giai đoạn 2016-2021, doanh thu thuần luôn đạt trên 1.100 tỷ đồng, tuy nhiên không đạt tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng năm. Về lợi nhuận, sau khi đạt kỷ lục lãi 120 tỷ đồng vào năm 2016, lợi nhuận doanh nghiệp giảm đều qua từng năm. Kể từ năm 2019, lợi nhuận lùi về hai con số, trong đó mức sụt giảm của năm 2021 là sâu nhất khi chỉ đạt 16 tỷ đồng, giảm 2,5 lần so với cùng kỳ.
Báo cáo thường niên những năm gần đây chỉ ra nhiều điểm khó trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của Mekophar. Ngành dược Việt Nam nói chung gặp khó khăn khi 90% nguyên liệu sản xuất là nhập khẩu. Nhiều năm qua, Trung Quốc liên tiếp đóng cửa lượng lớn nhà máy nên giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Về xuất khẩu, sức mua nhiều khách hàng truyền thống của Mekophar giảm mạnh vì chịu cạnh tranh thuốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Về nhập khẩu, một số quy định mới từ cơ quan quản lý ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu nguyên liệu.
Chưa kể, bản thân Mekophar nhiều lần đề cập với các cổ đông về khó khăn trong vấn đề đấu thầu thuốc vào các bệnh viện khi các mặt hàng chiến lược số đều không trúng thầu do giá cao hơn giá thầu. Riêng năm 2018, doanh nghiệp này hầu như tham gia thầu rất ít (5-7%), chủ yếu là thị trường ngoài bệnh viện nhưng cũng phải cạnh tranh nhiều về giá.
Tình hình sản xuất và kinh doanh không quá thuận lợi nhưng sức khỏe tài chính của Mekophar lại ổn định. Trong đó, vốn chủ sở hữu có xu hướng tăng, giai đoạn 2016-2021 đã bồi thêm hơn 27% lên mức gần 1.250 tỷ đồng.
Mekophar là doanh nghiệp rất ít khi vay nợ tài chính. Suốt 6 năm qua, số vay nợ lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận là 85 tỷ đồng vào năm 2021 - giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Không chỉ ít vay nợ, Mekophar cũng luôn có được lượng tiền nhàn rỗi khá tốt. Năm ngoái, doanh nghiệp này có khoảng 305 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và đầu tư tài chính ngắn hạn...
Mekophar được cổ phần hóa từ 2001, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vào năm 2010. Hai năm sau, doanh nghiệp này lại hủy niêm yết để tái cơ cấu cổ đông, loại bỏ 4,7% vốn thuộc sở hữu nước ngoài. Nhờ đó, Mekophar mới đủ điều kiện theo quy định pháp luật để mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Đến năm 2017, MKP đăng ký giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.
Nhiều năm qua, MKP gần như là cổ phiếu ít được thị trường quan tâm. Từ nửa cuối năm 2018, khối lượng giao dịch khớp lệnh của cổ phiếu này chỉ ở mức vài nghìn đơn vị, có nhiều ngày thậm chí không có cổ phiếu nào khớp lệnh. Tuy nhiên từ nửa cuối năm ngoái đến nay, mã MKP bắt đầu sôi động với khối lượng giao dịch từ hàng chục nghìn đơn vị trở lên. Đỉnh điểm trong phiên 6/1, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh lên tới hơn 315.000 đơn vị.
Sau thông tin Mekophar được cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19, thị giá cổ phiếu MKP gần như tăng trần liên tiếp nhiều ngày qua. Đóng phiên hôm 23/2, MKP đạt giá trị 70.500 đồng một cổ phiếu, tăng 8,8% so với phiên liền trước và tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ba phiên giao dịch trước đó, mã này liên tục mang sắc tím. Chỉ trong giai đoạn18-23/2, thị giá mã này tăng hơn 43%.
Cũng từ cuối năm ngoái, thị giá MKP bắt đầu biến động. Từ vùng giá 48.000 đồng một đơn vị, mã này vượt mốc 60.000 đồng vào giữa tháng 12 năm ngoái đến giữa tháng 1 năm nay. Thị giá MKP lập kỷ lục 78.900 đồng một đơn vị vào phiên 7/1. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1, cổ phiếu này sụt hẳn về vùng giá dưới 50.000 đồng, có phiên tiệm cận 41.000 đồng một đơn vị và chỉ bắt đầu "nổi sóng" trong thời gian gần đây.
Ngoài Mekophar, Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm và Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam (Boston Pharma) cũng có mặt trong danh sách được cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị Covid-19 lần này. Đây đều là hai doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Stellapharm chủ yếu sản xuất dược phẩm và tham gia xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Số liệu của VnExpress nắm được cho thấy, phong độ kinh doanh của Stellapharm trong những năm gần đây không ổn định. Năm 2016, công ty này ghi nhận gần 275 tỷ đồng doanh thu và hơn 28 tỷ đồng lãi ròng. Hai chỉ tiêu này sau đó gần như giảm dần đều, lần lượt đi lùi khoảng 40% và 85% sau 4 năm.
Tại Stellapharm, tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại là 25% tính đến cuối năm 2019.
Trong khi đó, Boston Pharma là doanh nghiệp liên doanh với Boston Pharmaceutical Inc. USA từ năm 2008. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Dược Phẩm Vitar do Công ty Dược Trung ương I (thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam) và các cổ đông cá nhân điều hành. Đến tháng 1/2022, vốn điều lệ công ty nâng lên gần 214 tỷ đồng, cổ đông ngoại chiếm 5%.
Theo thông tin tự giới thiệu, Boston Pharma sản xuất được 184 loại dược phẩm, công suất vào khoảng một tỷ đơn vị mỗi năm. Doanh nghiệp đặt tham vọng trở thành "biểu tượng hàng đầu về chất lượng dược phẩm" và nằm trong "nhóm 10 nhà máy sản xuất thuốc tân dược tốt nhất Việt Nam".
Những năm qua, kết quả kinh doanh của Boston Pharma tăng trưởng ổn định. Giai đoạn 2016-2020, doanh thu tăng hơn 2,75 lần lên mức 355 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp tăng mạnh đến hơn 4,7 lần, đạt gần 30 tỷ đồng.
Tất Đạt