*Chelsea - Atletico: 3h thứ Năm 18/3.
Ngoài cái tên Marcos, cả hai không tồn tại bất kỳ mối quan hệ ruột rà nào. Nhưng họ đều xuất thân từ những dòng dõi nổi tiếng về nghiệp bóng đá. Bậc cha ông của Alonso và Llorente đều vang danh trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha, và như một sự sắp đặt hiếm có của định mệnh: Gia tộc của Alonso và Llorente ba đời đều đối đầu trực tiếp với nhau trên sân cỏ.
Alonso - hậu vệ cánh đang khoác áo Chelsea - trưởng thành từ lò đào tạo của Real Madrid, dù cha của anh - Marcos Alonso Pena - được biết đến chủ yếu trong màu áo Barca. Lần về quá khứ xa hơn nữa, ông nội của Marcos Alonso - cũng có tên Marcos Alonso - mới là người gặt hái được thành công lớn nhất trong sự nghiệp bóng đá so với con cháu. Marcos Alonso "ông" - có biệt danh "Marquitos" - là huyền thoại của Real, từng đoạt năm Cup C1 liên tiếp từ 1955 đến 1960.
Gốc gác của Llorente cũng không kém cạnh. Bác của tiền vệ đang chơi cho Atletico Madrid này là huyền thoại Paco Gento của Real - cầu thủ đoạt nhiều Cup C1 nhất lịch sử bóng đá (6 lần). Nhưng nếu xét trực hệ, Llorente có ông ngoại là Ramon Moreno Grosso - một người cũng từng chơi cho Real và đoạt Cup C1.
Đối đầu ông nội - ông ngoại
Grosso từng là một trong những cầu thủ "cây nhà lá vườn" đầu tiên được sản sinh tại Ciudad Deportiva del Madrid của Real. Nhưng ở mùa 1963-1964, tiền đạo này được đem cho Plus Ultra - một CLB ở giải hạng Ba - mượn. Ở đó, Grosso ghi bàn đều đặn đến... phát chán.
Cũng mùa ấy, Atletico khó khăn trăm bề. CLB phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền xây sân Vicente Calderon. Đội bóng thì gặp bão chấn thương, trong khi mối quan hệ giữa cầu thủ chủ chốt Enrique Collar với ban lãnh đạo rạn nứt. Atletico, vì thế, liên tiếp đội sổ sau các vòng 7, 9, 10 và 11 ở giải VĐQG. Khép lại giai đoạn một mùa giải 1963-1964, họ đứng thứ ba từ dưới lên.
Nhận thấy vấn đề nằm ở hàng công, Atletico quyết định gõ cửa hàng xóm Real, hỏi mượn tiền đạo trẻ Grosso. Nhờ quan hệ hữu hảo thời còn là cầu thủ giữa hai vị chủ tịch Javier Barroso và Santiago Bernabeu, thương vụ được hoàn tất êm đẹp.
Ngày 12/1/1964, Grosso ra mắt Atletico trong trận đầu tiên của giai đoạn hai. Theo lời kể từ nhà báo kiêm sử gia Alfredo Relano - nguyên chủ bút nhật báo thể thao AS của Tây Ban Nha, trận đấu diễn ra vào buổi tối tại sân nhà cũ của Atletico - Metropolitano de Madrid và được phát trên truyền hình. Đối thủ của họ là Real Murcia. Phút thứ 83, Grosso ngả người móc bóng ấn định thắng lợi 2-1 cho Atletico. Với sự giúp đỡ từ Real thông qua bản hợp đồng cho mượn mang tên Grosso, Atletico dần hồi sinh.
Sau khi để lại được những dấu ấn nhất định tại Atletico, Grosso trở về Real và thi đấu đến năm 1976 rồi giải nghệ. Grosso kế thừa chiếc áo số 9 mà Alfredo Di Stefano để lại. Ông có giai đoạn là chân sút số một của CLB, sát cánh trên sân cùng những tượng đài khác trong lịch sử như Paco Gento hay Ferenck Puskas. Cùng với nhau, họ đoạt Cup C1 năm 1966.
Ông nội của Marcos Alonso - Marquitos - tên đầy đủ là Marcos Alonso Imaz, vốn xuất thân từ Racing Santander, nhưng vì thi đấu quá ấn tượng trước Real, nên được chính đội bóng Hoàng gia mua về năm 1954. Ở Madrid, Marquitos là một hậu vệ cánh phải nhưng đá được cả trung vệ và rất dễ mến. Ông chơi cùng thời với Di Stefano và là người ghi bàn gỡ hoà 3-3 cho Real trong trận chung kết Cup C1 năm 1956 gặp Stade de Reims, trước khi Jose Rial ghi bàn chốt hạ chiến thắng 4-3.
Sau những năm tháng huy hoàng cùng Real, Marquitos ở tuổi 30 tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp thêm hai năm nữa, lần lượt cho Hercules, Calvo Sotelo và Real Murcia.
Marquitos chơi cho Murcia đúng một mùa 1963-1964. Ngày Murcia làm khách trước Atletico của Grosso, ông có tên trong đội hình thi đấu. Marquitos chơi trung vệ và như đã nói, Grosso trong vai trò tiền đạo của Atletico, đã ghi bàn. Vậy là, ông nội của Marcos Alonso và ông ngoại của Marcos Llorente đã đối đầu trực tiếp với nhau trên sân năm 1964.
Đối đầu của những người cha
Ông Grosso có năm người con, trong đó con gái lớn là Maria Angela Moreno. Bà Maria cưới một cầu thủ bóng đá có tiếng ở Tây Ban Nha là Paco Llorente Gento. Ngay từ cái họ Gento cũng dễ đoán được gia thế của cầu thủ này. Nhưng truy lại gia phả của Paco Llorente Gento thì không hề đơn giản.
Huyền thoại Paco Gento - người được biết đến với biệt danh "Cơn bão" bên cánh trái Real suốt 18 năm và hiện là Chủ tịch danh dự của CLB - là con trai trưởng trong một gia đình "sống trọn với bóng đá". Người em trai đầu tiên của Paco Gento có tên Julio, được gọi là "Gento II", cũng từng theo học ở lò đào tạo Real và thi đấu cho các đội Elche, Deportivo và Malaga. Người em trai thứ hai là Antonio, được gọi là "Gento III", cũng từng khoác áo Real và thậm chí từng sát cánh trên sân với anh trai Paco Gento năm 1962, trước khi đến Levante, Racing Santander và Real Oviedo.
Cuối cùng, Paco Gento có một người em gái út, tên là Antonia Gento. Antonia Gento cưới một người đàn ông có tên Jose Luis Llorente. Và Jose Luis Llorente chính là cha ruột của Paco Llorente Gento được đề cập ở trên.
Nói vắn tắt, Paco Llorente Gento là con trai của em gái huyền thoại Paco Gento, đồng thời là con rể của Grosso. Và nếu các bạn vẫn chưa quên thì bố vợ (Grosso) và ông bác (Paco Gento) của Paco Llorente Gento từng là những người đồng đội của nhau của thế hệ được gọi bằng cái tên "Yé-yé" trong lịch sử Real.
Paco Llorente Gento cũng là một cầu thủ có tiếng, bởi từng có bảy năm thi đấu cho Real và thuộc lứa thế hệ "Kền kền trắng", tức "La Quinta del Buitre" nổi tiếng. Nhưng đáng nói, Paco Llorente Gento chuyển đến thi đấu cho Real từ Atletico vào năm 1987 và chính là trường hợp chuyển nhượng thông qua giải phóng hợp đồng đầu tiên ở Tây Ban Nha. Sau này, ông giải nghệ ở Compostela, đội bóng từng làm nền cho siêu phẩm của "người ngoài hành tinh" Ronaldo trong màu áo Barca.
Paco Llorente Gento chính là cha của tiền vệ Marcos Llorente - người từng giúp Atletico nhấn chìm Liverpool ở Anfield mùa trước. Và đến lượt Marcos Llorente cũng trưởng thành từ lò đào tạo của Real trước khi sang Atletico để tìm chỗ đứng trong bóng đá đỉnh cao.
Marquitos có một người con trai là Marcos Alonso Pena, cũng khởi nghiệp tại CLB quê nhà Racing Santander, sau khi bị Real từ chối nhận vào lò đào tạo. Năm 1982, Marcos Alonso Pena trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha lúc bấy giờ, khi được Barca chiêu mộ từ Atletico Madrid với giá 150 triệu pesetas (đơn vị tiền tệ cũ của Tây Ban Nha).
Khác với người cha Marcos Alonso Pena, Marcos Alonso Mendoza – cầu thủ của Chelsea hiện tại – được nhận vào học ở học viện Castilla của Real. Tuy vậy, anh chỉ một lần được ra sân trong màu áo đội một Real, từ ghế dự bị ở phút 90 thay cho Gonzalo Higuain năm 2010, trong trận đấu Racing Santander – đội bóng mà cha ông của anh từng khoác áo. Sau này, Marcos Alonso Mendoza cũng phải rời đi để tạo dựng con đường công danh ở nước ngoài, từ Serie A cho tới Ngoại hạng Anh như bây giờ.
Tương tự Grosso - ông ngoại của Marcos Llorente từng chạm trán trực tiếp Marquitos - ông nội của Marcos Alonso, những người cha của hai cầu thủ này cũng từng chạm trán trực tiếp trên sân bóng.
Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), ngày 14/12/1986, trong một trận đấu tại La Liga, Marcos Alonso Pena trong màu áo Barca đấu Paco Llorente Gento của Atletico. Trận đấu này kết thúc với tỷ số hòa 1-1. Bàn mở tỷ số của Atletico được ghi bởi Marina từ quả phạt đền ở phút 52, sau khi thủ môn Zubizarreta phạm lỗi với chính Paco Llorente Gento. Marcos Alonso Pena thi đấu tới phút 61 thì ra nghỉ, nhường chỗ cho Caldere - người sau đó ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Barca ở phút 80. Còn Paco Llorente Gento được thay bằng Julio Salinas ở phút 85.
Vậy là, từ Marquitos - Grosso vào tháng 1/1964, đến Marcos Alonso Pena - Paco Llorente Gento vào tháng 12/1986, những người ông và người cha của hai cầu thủ Marcos Alonso (Chelsea) và Marcos Llorente (Atletico) đều từng đối đầu trực tiếp trên sân cỏ.
Cuối tháng Hai vừa qua, trong trận lượt đi vòng 1/8 Champions League giữa Chelsea với Atletico, Alonso và Llorente tiếp nối câu chuyện tương phùng thú vị của hai gia đình giàu truyền thống bóng đá. Hai anh có thể một lần nữa chạm trán khi Chelsea tiếp Atletico trong trận lượt về hôm nay 17/3 ở Stamford Bridge.
Và nếu còn điều gì trở thành một sợi dây kết nối các thành viên ba đời nhà họ thêm một lần nữa, thì đó là việc cả sáu con người này đều từng chơi cho tuyển Tây Ban Nha.
Hoàng Thông (theo El Pais)