Thứ năm, 9/1/2025
Chủ nhật, 22/1/2017, 00:00 (GMT+7)

'Bà đồ' viết thư pháp trên phố ông đồ Sài Gòn

Cận Tết, phố ông đồ Sài Gòn nhộn nhịp khi dòng người tấp nập về đây dạo phố, chụp ảnh, xin chữ...

Phố ông đồ tại góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh đã hoạt động hôm 15/1 thu hút nhiều người dân tới tham quan.

Từ sáng đến tối, bên vỉa hè đường và trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên, các ông đồ bày mực tàu giấy đỏ, mặc áo dài khăn đóng khiến cả con phố tràn ngập không khí mùa xuân. 

"Thầy đồ" Lý Nguyễn (40 tuổi) cho biết, suốt 11 năm tổ chức phố ông đồ anh đều có mặt đủ. "Tôi tham gia với mục đích giao lưu anh em trong nghề cũng như có nơi thể hiện sở thích chứ không quá đặt nặng kinh doanh", anh chia sẻ.

Hầu hết những ông đồ đều ở tuổi đời khá trẻ, từ 17 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, cũng có một số "bà đồ" cũng bày mực tàu, giấy đỏ viết câu đối, thơ chúc tết cho mọi người. Trong ảnh, bạn Ngân Đình (23 tuổi) đang say sưa viết thư pháp.

Những bức thư pháp có hình gà được vẽ bằng tranh sơn mài có nhiều người tìm mua.

"Thâm niên" nhất trong số các "bà đồ" là bạn Ngô Nguyễn Xuân Phương (26 tuổi, TP HCM). Tuổi còn trẻ nhưng Phương đã tham gia phố ông đồ 7 năm liên tục. "Công việc chính của mình là kinh doanh. Tết đến mình sắp xếp việc để ra đây viết thư pháp như một sở thích", Phương chia sẻ.

"Bà đồ" Phạm Thị Thủy Tiên, thành viên CLB thư pháp Nét Việt đang viết chữ tại phố ông đồ năm nay.

Khoảng 100 ông đồ với hơn 60 gian hàng bày biện đủ loại hình thư pháp trên các chất liệu giấy xuyến chỉ, gỗ, tranh sơn dầu... Mỗi khi thầy đồ "múa bút" đều thu hút nhiều người chăm chú theo dõi.

Các khu vực thư pháp, thư họa, câu đối chúc xuân, tranh ảnh nghệ thuật… được bày trí đẹp mắt, thu hút đông đảo người tham quan. Không chỉ vậy, những món đồ lưu niệm, móc khóa, tranh truyền thần... cũng được bày bán.

Các bức tranh thủy mặc, thư pháp... được bán với giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Trong đó những chữ có hình gà được nhiều người hỏi mua.

Các khách ngoại quốc tỏ ra thích thú với con phố đậm chất Tết xưa của Việt Nam.

Từ khi khai mạc, góc phố này thường xuyên nhộn nhịp nhất là chiều tối. Dù vậy, phần lớn mọi người đến để tham quan, chụp hình. Một ông đồ cho biết, phải sau ngày cúng ông Táo mới có nhiều người xin chữ.

Khi trời tối, rất nhiều người dân đổ về tham quan. Sau khi chụp ảnh cho các cháu, ông chia sẻ: "Năm nay tôi thấy trang trí đẹp hơn các năm do có thêm cả hoa đào". Phố ông đồ diễn ra đến ngày 27/1 tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Ngọc Thạch và bên ngoài Cung văn hóa lao động.

Quỳnh Trần