Khi gặp kẻ xấu có ý đồ bắt cóc, bạn cần chú ý một số điều sau:
Thứ nhất, điều mấu chốt là quyết không để bị mang tới địa điểm khác nhằm tránh nguy hiểm tới tính mạng. Kẻ bắt cóc có thể dùng súng đe dọa nhưng ít khi dám nổ súng tại nơi công cộng.
Tiếng súng sẽ thu hút chú ý của mọi người xung quanh và cảnh sát. Nhưng nếu sợ hãi và ngoan ngoãn đi theo kẻ bắt cóc tới nơi hẻo lánh, nạn nhân có thể bị sát hại nhằm bịt đầu mối.
Trường hợp kẻ gian nổ súng thì độ chính xác chưa chắc đã cao. Một chuyên gia huấn luyện cảnh sát San Diego (Mỹ) cho hay cảnh sát khi đấu súng ở cự ly gần 1-3m thường trượt tới 76%, còn tội phạm trượt tới 96%.
Trước khi kẻ xấu kịp phản ứng và nổ súng, bạn hãy chạy nhanh ra ngoài tầm với của chúng. Nếu đã dám nổ súng ngay tại chỗ, tội phạm có thể làm nhiều điều đáng sợ hơn khi ở nơi hẻo lánh.
Thứ hai, không nói dối về thu nhập khi đã bị khống chế. Phản xạ đầu tiên của nạn nhân thường sẽ là nói giảm để món tiền chuộc ít đi nhưng động cơ đằng sau mỗi vụ bắt cóc thường là vì tiền. Nếu thấy lợi ích từ việc bắt cóc không đáng công sức bỏ ra, kẻ xấu sẽ không đơn giản thả tự do cho con tin. Vì thế, bạn không nên phóng đại giá trị bản thân. Nếu kẻ bắt cóc mong đợi quá cao mà không được đáp ứng, nạn nhân có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Thực tế, trước khi thực hiện tội phạm, kẻ bắt cóc thường tìm hiểu trước và có thể biết chính xác giá trị của nạn nhân. Câu hỏi của chúng là nhằm thử độ thành thật và hợp tác của người bị bắt cóc.
Thứ ba, đánh vào lòng trắc ẩn của đối phương. Cần nói liên tục về mọi chủ đề (ví dụ: về gia đình, công việc, sở thích...), việc này khiến nạn nhân trở nên “người” hơn trong mắt kẻ bắt cóc, thay vì chỉ là món đồ trao đổi.
Khó để biết điều gì khiến kẻ bắt cóc từ bỏ ý định, nhưng kẻ giết người hàng loạt Edmund Kemper từng thả nạn nhân vì cô này thấy lọ thuốc hắn để trong xe giống với loại bố mình đang dùng.