Chiều 15/3, phiên xử bà Dương Thị Bạch Diệp (tức đại gia Diệp Bạch Dương, 72 tuổi); cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo khác bước vào phần xét hỏi.
Là người đầu tiên bị thẩm vấn, bà Diệp giọng to, bác bỏ toàn bộ cáo trạng quy buộc mình lừa đảo 352 tỷ đồng. "VKS vu oan để bắt tôi. Việc hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ - TTCNN) không phải là do tôi quen biết người này người kia, mà do tôi trực tiếp gặp và trao đổi với ông Tảo (Vy Nhật Tảo, Giám đốc TTCNN)", bà Diệp nói.
Bà Diệp bị cáo buộc dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp khu đất 57 Cao Thắng để làm căn cứ hoán đổi bất động sản 185 Hai Bà Trưng nhưng không bàn giao. Tiếp đó, nữ đại gia dùng giấy tờ khu đất thế chấp cho Ngân hàng Agribank TP HCM vay 21.860 lượng vàng mà không thông báo cho ông Tảo biết. Khi nhận trụ sở TTCNN và giấy tờ, bà Diệp tiếp tục đem thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập Sacombank) vay 160 tỷ đồng. Việc này khiến Nhà nước mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng trị giá 352 tỷ đồng.
Bị cáo cho rằng, cáo trạng quy buộc mình sử dụng mối quan hệ với nhiều người để thực hiện hành vi hoán đổi và chiếm đoạt khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng là không đúng.
Theo bà Diệp, thông qua hàng xóm, biết ông Tảo và TTCNN đang có nhu cầu xây mới nhưng không có kinh phí, đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhưng chưa được. Theo đó, bà đã bàn với ông Tảo về việc hoán đổi nhà đất và tìm bất động sản phù hợp. Sau khi mua được nhà 57 Cao Thắng và làm xong giấy chứng nhận quyền sở hữu, bà mới làm đơn gửi các cơ quan chức năng về phương án hoán đổi của mình.
Trả lời HĐXX về việc thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng cho ngân hàng, bà Diệp lớn giọng, hai lần lặp lại nội dung: "Tôi chưa bao giờ thế chấp cái nhà này. Hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất này là giả, trên hệ thống của phòng công chứng không có".Chủ tọa lưu ý bà này cần bình tĩnh, rồi chất vấn: "Bị cáo không thế chấp mà ngân hàng lại giữ giấy chứng nhận quyền sỡ hữu đối với khu đất 57 Cao Thắng?". Bà Diệp trả lời lòng vòng rồi cho rằng mình "bị ngân hàng gài bẫy và lừa".
Bà giải thích, lúc đó đang vay số tiền lớn và ngân hàng đang nắm giữ rất nhiều tài sản khác của bà. Bà đồng ý trả nợ cho ngân hàng nhưng không phải là thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng. Tuy nhiên, khi bà đang đưa giấy tờ khu đất này cho Sở Tài nguyên - Môi trường cập nhật lại quyền sở hữu, sau khi xây dựng mới công trình TTCNN, thì bị ngân hàng làm giả hợp đồng thế chấp tài sản để lấy.
Tuy nhiên, câu trả lời này của bà Diệp không được HĐXX chấp nhận.
Trước đó, trả lời tòa về các quan hệ tín dụng với Agribank, bà Diệp cho biết, năm 2007-2008 ký nhiều hợp đồng tín dụng với ngân hàng này vay tiền vàng, trong đó có những hợp đồng đã tất toán. Đến tháng 10/2008, bà dùng bất động sản của mình thế chấp vay 14.000 lượng vàng, sau đó bỏ thêm hơn 1.000 lượng vàng để mua khu đất 57 Cao Thắng (15.000 lượng vàng). Đến ngày 31/12/2008, dư nợ 3 hợp đồng tín dụng của bà tại ngân hàng này là 67.000 lượng vàng.
Tham dự toà với tư cách có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện Agribank phản bác lời khai của bà Diệp.
Được gọi lên thẩm vấn sau đó, ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận cáo trạng truy tố nhưng cho rằng có một số điểm chưa rõ, xin trình cụ thể.
Ông Tài khai, với cương vị Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM rất mong muốn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trước khi bị cáo về hưu, căn nhà 185 Hai Bà Trưng vẫn còn là tài sản Nhà nước và bị cáo đã nỗ lực làm việc để tránh sai sót. "Tuy nhiên, do quá tin tưởng vào cấp dưới cũng như khối lượng công việc quá nhiều nên bị cáo không trực tiếp thẩm định hồ sơ pháp lý của căn nhà 57 Cao Thắng", ông Tài giải thích.
Bị cáo Vy Nhật Tảo cũng thừa nhận sai, song cho biết chỉ vì thấy việc hoán đổi hai tài sản này có lợi cho TTCNN nên đã đồng ý, không tư lợi. Quá trình chuyển đổi nhà 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng, bị cáo đã không biết giấy chứng nhận quyền sở dụng đất đã bị bà Diệp thế chấp ngân hàng. "Khi biết chuyện tôi liên tục đòi bà Diệp trả giấy chứng nhận nhưng bà ta chỉ hứa hẹn", bị cáo Tảo nói.
Các bị cáo khác cũng lần lượt được thẩm vấn và thừa nhận hành vi sai phạm.
Theo cáo trạng, lãnh đạo các sở ngành của TP HCM đã nhiều lần tổ chức họp lấy ý kiến về việc hoán đổi nhà đất với bà Diệp. Nữ đại gia vẫn che giấu việc đã thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho ngân hàng, còn phía UBND TP HCM chưa từng yêu cầu bà này đưa ra bản chính giấy chứng nhận quyền sỡ hữu khu đất.
Được giao nhiệm vụ xem xét vấn đề này, ngày 5/3/2010, ông Nguyễn Thành Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng vì "phương án này có lợi cho Nhà nước". Ông thừa nhận có thiếu sót khi không chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý bởi tin tưởng TTCNN và Ban chỉ đạo 09 sẽ làm việc này.
Mấy tháng sau, khi UBND TP HCM đề nghị xác lập quyền sở hữu nhà nước tại địa chỉ 57 Cao Thắng cho TTCNN sử dụng thời gian lâu dài mới phát hiện tài sản này đã bị bà Diệp thế chấp ngân hàng.
Hải Duyên