"Trong nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA), thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhất là Covid-19 bùng phát. Chúng ta đã nỗ lực sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để có nhiệm kỳ rất thành công với nhiều dấu ấn quan trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong cuộc phỏng vấn được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay.
Dấu ấn đầu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA năm 2020-2021 là chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về đất nước đổi mới, chuyển mình, từ nước nhận hỗ trợ trở thành đối tác quan trọng, đóng góp tích cực tại Liên Hợp Quốc và trong công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam tham gia cơ chế đa phương này với tâm thế mới, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc riêng, có tầm nhìn chiến lược về thế giới và khu vực, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Việt Nam cũng đã đóng góp thiết thực vào công việc chung của HĐBA, tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả vấn đề trong chương trình nghị sự ở mọi khu vực, từ xung đột tại châu Phi tới khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông, cũng như những chủ đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó Covid-19.
Trong quá trình đó, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm, kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đồng thời có cách thức giải quyết có lý, có tình, linh hoạt, cân bằng trong ứng xử, nỗ lực tìm kiếm và tạo dựng đồng thuận, tạo không khí thuận lợi cho trao đổi tại HĐBA.
Việt Nam cũng tạo dấu ấn với cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như tinh thần nhân văn, hướng tới người dân, xuất phát từ chính kinh nghiệm Việt Nam từng trải qua nhiều năm chiến tranh, xung đột. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Khi Việt Nam tổ chức phiên thảo luận mở về Hiến chương Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2020, 110 đại diện các nước và tổ chức đã tham dự và phát biểu, con số cao kỷ lục đối với một cuộc họp của HĐBA. Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu với người dân do Việt Nam đề xuất nằm trong khoảng 1% nghị quyết được cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA góp phần củng cố cục diện đối ngoại ổn định, thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nước ủy viên HĐBA LHQ, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ hai năm.
Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA, đảm nhận nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193.
Vũ Anh