Ngày 22/9, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở nặng, rút hõm lồng ngực, có những tiếng thở rít rất rõ của hẹp khí quản. Các bác sĩ nội soi, phát hiện mức độ hẹp khí quản của trẻ chiếm 2/3 chiều dài của toàn bộ khí quản.
Người mẹ chia sẻ bé là con thứ ba trong gia đình, khi chào đời không có dấu hiệu bất thường. Lúc 8 tháng tuổi, bé ho, ăn uống ít, khám tại bệnh viện của Lào, được chẩn đoán ban đầu là viêm phổi. Tuy nhiên, người mẹ quan sát thấy con thở khò khè, miệng tím lúc khóc, đi khám chuyên sâu phát hiện mắc tim bẩm sinh Fallot 4. Gia đình nhiều lần đưa bé đến các viện thăm khám nhưng các bác sĩ đều nói khó điều trị hoặc "không thể chữa". Được một người bạn giới thiệu, bố mẹ quyết định đưa bệnh nhi đến Việt Nam với tinh thần cứu con bằng mọi cách.
Sau phẫu thuật tim tại một bệnh viện ở Hà Nội, các bác sĩ mới phát hiện trẻ bị hẹp khí quản. Do chưa quen với việc tạo hình khí quản, để đảm bảo an toàn cho bé, cơ sở này xin chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật khí quản.
"Tim của trẻ đã được sửa tương đối ổn định, song vấn đề chính là đường thở hẹp ở mức độ trung bình – nặng sẽ ảnh hưởng xương vòm", TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, nói và thêm rằng bắt buộc phải tạo hình khí quản để bảo vệ tính mạng em bé.
Trong lần phẫu thuật lần đầu tiên, các bác sĩ đã tạo hình được một phần khí quản phía bên trên nhưng diễn biến sau mổ không thuận lợi. Ê kíp tiếp tục thăm dò và phát hiện vẫn còn tồn tại đoạn hẹp phía dưới của khí quản. Một cuộc hội chẩn diễn ra tại Trung tâm Tim mạch, các bác sĩ quyết định xử lý phần hẹp còn lại, dù cuộc mổ thứ hai sẽ có nhiều thách thức hơn.
"Ca phẫu thuật khá khó khăn vì phần hẹp khí quản sâu và cháu đã trải qua hai lần phẫu thuật trước đó", bác sĩ Trường nói. May mắn, sau mổ, đường thở trẻ tốt hơn, kích thước to như khí quản của trẻ bình thường.
Tuy nhiên, việc hồi sức cho bé 8 tháng tuổi, cân nặng chỉ 7 kg, lại trải qua ba lần phẫu thuật gặp nhiều khó khăn, theo TS. BS Đặng Văn Thức, Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực Ngoại tim mạch. Sau mổ lần hai, các bác sĩ tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại tim mạch đã kiểm soát hô hấp, đường thở cho bệnh nhi để đảm bảo các chức năng về mặt huyết động cũng như chức năng các tạng, tăng cường chăm sóc đặc biệt. Sau 5 ngày, trẻ được rút nội khí quản, chuyển đến Khoa Hồi sức Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi, chăm sóc cẩn thận. Ngày 21/9, bé được ra viện song vẫn cần theo dõi sát sao và quay lại tái khám sau ba tháng để đánh giá mức độ hồi phục.
Bệnh tim bẩm sinh Fallot 4 gặp ở 3 trên 1.000 trẻ đang sống và chiếm 7-10% tất cả các bệnh tim bẩm sinh. Hẹp khí quản là tình trạng khẩu kính của khí quản bị thu nhỏ lại do nhiều nguyên nhân khác khau. Cả Fallot 4 và hẹp khí quản có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị và xử trí kịp thời. Trước đó, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện mổ thành công cho hơn 100 trường hợp bệnh tim hẹp khí quản, phế quản rất phức tạp có phối hợp với bệnh tim bẩm sinh.