Sinh viên thực vật học Claire Ciafre trông thấy ba con rắn hổ mang cá vật lộn dưới ao nước ở Alabama tháng trước. Dù chưa bao giờ chứng kiến hành vi này trước đây, Claire quyết định quay lại bằng điện thoại vì cho rằng đây có thể là thông tin khoa học hữu ích. Theo các chuyên gia, những con rắn hổ mang cá đực đang chiến đấu giành quyền giao phối.
Những cuộc chiến ở rắn thường bị nhầm với nghi thức ghép đôi do có nhiều điểm tương tự. Đôi rắn đang tán tỉnh bạn tình có thể cùng rướn cao, nhưng chúng không đập vào nhau dữ dội như trong video của Claire. "Nghi thức ghép đôi của rắn thường nhẹ nhàng và ít căng thẳng hơn", David Steen, nhà sinh thái học động vật hoang dã, giải thích. "Rắn ghép đôi cũng thường quấn đuôi vào nhau khi con đực đưa bán dương vật vào lỗ huyệt của con cái".
Khi rắn hổ mang cá tán tỉnh bạn tình, đó là một quá trình chậm rãi và ít kịch tính. Trái lại, những trận chiến giành ưu thế thường mãnh liệt hơn nhiều. Rắn hổ mang cá sẽ lắc lư tới lui và vươn dài cơ thể lên cao trước khi đập đối thủ xuống mặt đất hoặc mặt nước. Cơ thể chúng thường xoắn vào nhau trong lúc vật lộn nhằm chiếm lợi thế. Cuối cùng, con rắn yếu hơn buộc phải rút lui, nhường quyền cho kẻ thắng trận giao phối với bất kỳ con rắn cái nào ở gần đó.
Chiến đấu giành ưu thế hoặc quyền giao phối rất phổ biến trong thế giới động vật và hiếm khi dẫn tới tử vong. Ba con rắn hổ mang cá chiến đấu khoảng 10 phút, nhưng những trận chiến kiểu này có thể kéo dài hàng giờ. "Hai con rắn thua cuộc đầu hàng và bò đi. Tôi có thể tưởng tượng những kẻ thua trận quá mệt mỏi để tiếp tục chiến đấu hoặc chúng nhận ra không nên phí sức. Điều này đồng nghĩa chỉ có những con đực lớn nhất và khỏe nhất có quyền lưu lại vốn gene", Ciafre nói.
An Khang (Theo Earth Touch News)