Với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ núi Sam có công đức giúp bà con sống an bình. Vì thế hàng trăm năm nay người An Giang đã lập miếu Bà Chúa Xứ, thờ tự Bà như thần. Mỗi năm vào ngày vía bà (từ tháng 4 âm lịch kéo dài cho đến đầu tháng 6), rất đông khách hành hương từ các nơi về cúng bái, cầu may, xin phúc, vay tiền làm ăn.
![]() |
Miếu Bà Chúa Xứ tại núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh: Gia Bảo |
Giữa tháng 7, nhiều người loan truyền tin Bà Chúa Xứ bị cúng thức ăn giả, thiu nên đau bụng. Bà giận quá chuyển sang miếu Tà Ben sinh sống. Từ khi tin Bà xuất hiện ở miếu Tà Ben (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang), cư dân vùng này nhốn nháo hẳn lên.
Ngôi miếu nhỏ bình thường bỗng chốc ào ào người tới xin phúc, xin số đề, cầu lành bệnh, nguyện tình duyên hay vay tiền Bà để làm ăn... Cánh thầy bói cũng kéo nhau đến ngồi xủ quẻ, lên đồng, móc túi người nhẹ dạ.
Cả vùng quê náo loạn. An ninh trật tự bị xáo trộn. UBND xã Thạnh Lộc liên tiếp cử người dẹp nạn mê tín, cúng xin nhưng vì ít người nên không hiệu quả. UBND huyện Châu Thành đã phải cử lực lượng tiếp sức, phối hợp cùng công an tỉnh để giữ gìn trật tự.
![]() |
Hàng năm có hàng trăm nghìn lượt người đến cúng ở miếu Bà Chúa Xứ xin lộc, vay tiền, cầu duyên. Gần đây rộ lên tin đồn thức ăn khách hành hương cúng là giả, thiu khiến Bà giận bỏ sang ở miếu Tà Ben ở Kiên Giang. Ảnh: Gia Bảo |
Trao đổi với VnExpress.net, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, ông Danh Thuận cho biết, thời gian qua hàng ngày có hàng trăm người đến miếu Tà Ben cầu xin lộc Bà.
"Chắc chắn có người tung tin đồn nhảm. Chính quyền phải họp dân kêu gọi không tin vào tin đồn Bà từ An Giang bỏ qua Kiên Giang. Chúng tôi cũng răn đe sẽ xử lý thích đáng nếu phát hiện người tung tin đồn nhảm. Còn các thầy bói nếu lưu ở gần miếu cũng bị phạt nặng", ông Thuận nói.
Theo ông Thuận, có thể một số người lợi dụng hình ảnh tượng thờ trong miếu Tà Ben hao hao giống tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam nên tung tin đồn Bà "chuyển nhà", để thu hút người đến cúng.
Đoạn Phong