Chị Sang 51 tuổi, là một giảng viên đại học, năm 2015 khám sức khỏe định kỳ phát hiện có u ở buồng trứng. Cùng lúc, em gái của chị Sang sinh năm 1971 cũng được chẩn đoán mắc căn bệnh này.
Hai chị em Sang cùng phẫu thuật cắt u tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, kết quả sinh thiết là u ác tính, ung thư buồng trứng giai đoạn một. Tình trạng của chị Sang nặng hơn, cần phải tiến hành hóa trị nên được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
"Ngày biết tin mình mắc ung thư, tôi lo sợ lắm. Nỗi sợ nhân đôi khi biết cả em gái mình cũng mắc bệnh", chị Sang nói.
Trong 4 tháng nhập viện truyền hóa chất, cuộc sống của chị và gia đình bị xáo trộn nhiều. Chị phải nghỉ việc một thời gian để trị bệnh. May mắn, chị Sang phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên điều trị dễ dàng và hiệu quả. Tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh tình của chị sớm ổn định và được ra viện.
Từ năm 2016 đến nay, hai chị em chị Sang cứ 3 tháng lại đi kiểm tra sức khỏe một lần. Ngoài ra, chị sinh hoạt lành mạnh hơn, ăn uống khoa học và tích cực luyện tập thể dục. Hiện, chị Sang và em gái hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn đi làm hàng ngày và có cuộc sống bình thường như người khác.
"Tôi không nói thì không ai nghĩ tôi là một bệnh nhân ung thư", chị Sang nói.
Chị Sang còn có một người em gái khác sinh năm 1969 đang định cư ở Mỹ. Khi được bác sĩ tư vấn ung thư buồng trứng là bệnh có yếu tố di truyền, chị Sang nhắn em gái đi khám sức khỏe. Quả nhiên, người em đó cũng nhận được kết quả có u ở buồng trứng, may mắn u lành tính.
Theo các bác sĩ, các chị em nhà chị Sang là một trường hợp khá điển hình của ung thư buồng trứng có nguyên nhân do yếu tố gia đình. Nếu trong nhà có mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh, những người nữ còn lại cũng có nguy cơ cao, cần được tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm.
Ung thư buồng trứng là ung thư hay gặp ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN 2018, mỗi năm Việt Nam có hơn 1.500 phụ nữ phát hiện bị ung thư buồng trứng, 856 người tử vong. Đa số bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn trễ khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ sống 5 năm sau khi phát hiện bệnh rất thấp.
Loại ung thư này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra ở phụ nữ 50-65 tuổi, khoảng 5-10% liên quan đến di truyền. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có dấu hiệu hoặc rất mơ hồ. Thường là cảm giác khó chịu vùng bụng chậu, đầy hơi, ăn không tiêu, bụng to, tiểu nhắt... Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm phần lớn phát hiện nhờ khám sức khỏe. Khoảng 75% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn trễ, khi ấy có các triệu chứng đau bụng, sụt cân, nôn ói, ăn không ngon...
Để biết chắc chắn có bị ung thư buồng trứng hay không phải trải qua phẫu thuật đánh giá, lấy mô bướu làm giải phẫu bệnh. Nếu kết quả sinh thiết là ác tính, bệnh nhân phải hóa trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh. Ở giai đoạn sớm có thể không cần hóa trị.
Tiên lượng thời gian sống của người bệnh phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư khi được phát hiện. Người được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có cơ hội chữa khỏi cao hơn, đồng thời, giảm chi phí cũng như các tác dụng phụ mang lại trong quá trình điều trị so với những người được chẩn đoán muộn.
Phụ nữ nên chủ động đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần. Khi phát hiện u nang buồng trứng cần sớm được phẫu thuật. U buồng trứng phát hiện sớm kích thước nhỏ có thể phẫu thuật nội soi và bóc tách, ít ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.