Nổi tiếng nhất là Nguyễn Hồng Sơn, cựu tiền vệ Thể Công, khoác áo đội tuyển Việt Nam vào thập niên 1990. Trong sự nghiệp, anh tham dự ba kỳ Tiger Cup, tiền thân của AFF Cup hiện nay, ghi tổng cộng bảy bàn thắng. Tại giải đấu năm 1998, Nguyễn Hồng Sơn được bình chọn là Cầu thủ hay nhất giải. Cũng nhờ những màn trình diễn trên sân nhà Việt Nam này, anh được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) chọn là Cầu thủ hay nhất châu Á tháng 8/1998.
Tiger Cup đáng nhớ nhất với Nguyễn Hồng Sơn chính là giải đấu năm 1998, nơi Việt Nam được chơi trên sân nhà. Anh cùng đồng đội ra quân mãn nhãn bằng chiến thắng 4-1 trước Lào, trong đó bàn mở tỷ số của Hồng Sơn đến từ một pha xử lý đẳng cấp. Anh nhận bóng trong thế xoay lưng với khung thành đối phương, nhưng bình tĩnh chỉnh bóng, xoay người, rồi sút bằng chân trái về góc xa. Sau trận hoà không bàn thắng với Singapore, Việt Nam bước vào trận quyết định vòng bảng gặp Malaysia. Một lần nữa, Nguyễn Hồng Sơn toả sáng bằng bàn duy nhất, đến từ cú vô-lê trong cấm địa, đưa bóng vào góc cao khung thành.
Ở chiến thắng lịch sử 3-0 trước Thái Lan ở bán kết, Nguyễn Hồng Sơn là người nâng tỷ số lên 2-0. Anh xâm nhập vòng cấm, đón cú vẩy má ngoài của Huỳnh Đức, rồi ghi bàn sau hai lần dứt điểm. Tuy nhiên, ở chung kết, thế hệ vàng của Hồng Sơn lỡ hẹn với chiếc cup vô địch khi thua Singapore 0-1, vì pha ghi bàn bằng lưng của Sasi Kumar.
Một Hồng Sơn nổi tiếng khác là Dương Hồng Sơn, thủ môn người Nghệ An, từng bắt cho SLNA và Hà Nội T&T. Anh tham dự bốn kỳ AFF Cup, gồm 2007, 2008, 2010 và 2012. Trong cả bốn lần, thủ thành xứ Nghệ đều là người bắt chính, với ấn tượng lớn nhất là giải đấu năm 2008, thời điểm Việt Nam lần đầu và duy nhất cho tới lúc này bước lên ngôi vô địch.
Tuy nhiên, trước khi có được thành công này, Dương Hồng Sơn đã phải chiến đấu để giành lấy vị trí số một trong khung gỗ với nhiều cái tên xuất sắc. Đối thủ đáng gờm nhất với Hồng Sơn khi đó là thủ môn nhập tịch Phan Văn Santos, học trò của HLV Henrique Calisto ở Long An. Santos bắt chính trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2008, nhưng quyết định rút lui. Một cái tên nữa là Thế Anh, người vượt qua chính Hồng Sơn để được giao nhiệm vụ gác đền tại SEA Games 22, giải đấu được tổ chức tại Việt Nam.
Bước vào vòng bảng AFF Cup 2008 diễn ra ở Phuket, Thái Lan, Dương Hồng Sơn khởi đầu không tốt. Anh mắc lỗi trong bàn thua ở trận ra quân gặp Thái Lan, khi lưỡng lự giữa việc lao ra đấm bóng hay ôm gọn. Ở trận kế tiếp, gặp Malaysia, thủ thành xứ Nghệ tiếp tục mắc lỗi cầm bóng quá sáu giây. Đây là trận đấu mang ý nghĩa sống còn bởi Việt Nam buộc phải thắng để giành quyền tự quyết. Nhưng Hồng Sơn và đội tuyển Việt Nam hôm đó đã được giải cứu bởi Nguyễn Vũ Phong. Cầu thủ đá cánh này mang về thắng lợi 3-2 ở những phút cuối, khi cú dứt điểm từ gần giữa sân của tiền vệ này đã chạm một mô đất trên sân Surakul, và bay cao hơn dự tính của thủ môn Malaysia, trước khi đi vào lưới.
Dương Hồng Sơn được HLV Calisto tin tưởng giữ vị trí ở bán kết và chung kết. Anh đền đáp lại niềm tin của ông thầy người Bồ Đào Nha bằng phong độ xuất sắc ở trận lượt về bán kết trên đất Singapore và hai trận chung kết với Thái Lan. Trong cả ba trận, thủ thành này liên tục phản xạ xuất thần, ngăn những bàn thua mười mưoi cho đội tuyển. Kết thúc AFF Cup 2008, Việt Nam vô địch, còn Dương Hồng Sơn nhận danh hiệu cá nhân cao quý nhất. Anh cũng ẵm giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam năm đó.
Huỳnh Hồng Sơn là người ít được nhắc đến nhất. Cựu tiền đạo của Cảng Sài Gòn chỉ tham dự một kỳ Tiger Cup, vào năm 2002, trong thời điểm chuyển giao của đội tuyển Việt Nam. Vào lúc lên tuyển, Hồng Sơn đã 33 tuổi. Anh sát cánh cùng một lão tướng khác, tiền đạo Huỳnh Đức trên hàng công. Huỳnh Hồng Sơn ghi ba bàn ở giải đấu này, và tất cả đều ở vòng bảng.
So với hai Hồng Sơn kể trên, Huỳnh Hồng Sơn không nổi tiếng bằng. Anh thuộc nhóm ngôi sao nở muộn khi mãi đến lúc 29 tuổi (năm 1998), mới được khoác áo đội bóng chuyên nghiệp là Cảng Sài Gòn. Nhỏ con nhưng nhanh nhẹn và giỏi luồn lách, Huỳnh Hồng Sơn ghi điểm trong mắt HLV Calisto khi vô địch V-League 2002. Anh hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao lịch sử ở Tiger Cup 2002 khi giúp Việt Nam đoạt HC đồng.
Sự nghiệp của Huỳnh Hồng Sơn sau giải đấu này thậm chí còn đáng nói hơn. Anh dính líu tới vụ mua chức vô địch V-League 2001 của SLNA và phải đi tù gần một năm cùng với Hồ Văn Lợi vào năm 2006. Trước và sau khi đi tù, Hồng Sơn miệt mài chiến đấu cùng Cảng Sài Gòn. Anh xuống hạng rồi lại lên hạng cùng CLB này. Năm 2005, anh bị chấn thương đốt sống cổ sau một pha va chạm, nhưng vẫn tiếp tục xỏ giày ra sân ngay mùa kế tiếp. Huỳnh Hồng Sơn chơi gần như mọi vị trí, từ tiền đạo đến tiền vệ và hậu vệ trong giai đoạn này.
Mãi tới năm 2010, khi 41 tuổi, anh mới treo giày. Cảng Sài Gòn bị xoá thương hiệu vào năm 2011, đổi tên thành CLB TP HCM, trước khi xuống hạng Nhì vào năm 2012.
Thắng Nguyễn