Một buổi chiều giữa tháng 5, ông Văn Bá Thọ (51 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP HCM) giảng cho hai cậu con trai cách giải một bài toán khó lớp 12 ngay tại nhà. Đây là cách ôn bài của ba cha con từ nhiều tháng nay để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Hồi cuối tháng 4, ông Thọ cùng con trai lớn Văn Bá Chương (22 tuổi) nộp hồ sơ thi theo diện thí sinh tự do; riêng cậu út Văn Thiên Tường (19 tuổi, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hóc Môn) đăng ký dự thi ngay tại trường.
Căn nhà ọp ẹp, rộng chưa tới 50 m2 nằm sâu trong hẻm đường Xuân Thới Sơn là nơi ở của gia đình ba thế hệ của ông Thọ (bà nội, cha mẹ và hai đứa con). Bộ salon cũ trở thành nơi ngồi học cho ba người. "Đồ trong nhà không có gì đáng giá nên ba cha con phải vô đại học mới hy vọng đổi đời", ông Thọ hài hước.
Ông Thọ quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Hơn 30 năm trước, ông là sinh viên ngành y học cổ truyền nhưng học được hai năm thì bỏ dở vì gánh nặng cơm áo cho gia đình. Ông cưới vợ rồi vào Sài Gòn, mưu sinh đủ nghề lao động tay chân để có tiền nuôi hai con nhỏ ăn học và người mẹ nay đã hơn 90 tuổi.
Khoảng ba năm trở lại đây, ông chuyển sang làm gia sư cho học sinh cấp 3, dạy các môn tự nhiên. Ông kể, những người thuê ông làm gia sư đa phần quen biết, hiểu rõ về ông mới dám giao việc dạy kèm con họ. Nhờ công việc này, ông có cơ hội ôn lại kiến thức và cập nhật các cách giải bài tập mới theo chương trình.
Thoáng chút nuối tiếc trên khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn, ông chia sẻ: "Từ lâu tôi đã mong ước quay lại với ngành y học cổ truyền để bốc thuốc, châm cứu cứu người nhưng hết năm này sang năm khác không làm được vì mấy đứa con còn nhỏ quá. Nay tụi nó đã lớn hết rồi, còn biết đi làm kiếm sống nên tôi mới quyết định đi thi".
Quyết tâm theo đuổi nghề y học cổ truyền, một phần là đam mê đã ngấm vào máu, phần nữa là sự lựa chọn phù hợp với tuổi tác, sức khỏe. "Tôi cũng có tuổi rồi, không thể làm việc chân tay được mãi. Nếu đậu đại học, học xong thì tôi có việc để kiếm tiền lúc về già, đỡ phụ thuộc con cái", ông Thọ thổ lộ.
Dù đã qua chương trình phổ thông mấy chục năm nhưng người đàn ông này vẫn tự tin mình sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo ông, dẫu đề thi hiện khác xưa nhưng lại phổ biến hình thức trắc nghiệm, ít đánh đố, các công thức toán học thì bao năm nay vẫn vậy nên không quá lo.
Ngành y học cổ truyền tại Đại học Y dược TP HCM mà ông Thọ chọn vẫn duy trì đầu vào khá cao (từ 24-25 điểm ba môn thi). Nhưng ông quả quyết: "Sức học của tôi có thể đạt điểm số này".
Năm rồi, cậu con trai lớn của ông Thọ - Văn Bá Chương - xin xét tuyển vào ngành công nghiệp thực phẩm nhưng rớt vì thiếu 1 điểm. Năm nay, Chương vẫn nuôi chí vào ngành này. Ban ngày, chàng trai này làm công nhân tại xưởng may gia công ở huyện Củ Chi, tối về cơm nước, nghỉ ngơi một chút lại ngồi ôn bài với ba và em trai.
Khác anh trai, cậu út Văn Thiên Tường lại muốn thi vào ngành y giống ba. Biết ngành y lấy điểm rất cao, Tường có hơi lo nhưng vẫn vững tin mục tiêu đã chọn khi thấy nghị lực của ba. "Ba cha con ôn bài với nhau, thường xuyên lên mạng cập nhật các đề thi mới, có gì không hiểu lại thảo luận nên việc học không chán", Tường chia sẻ.
Theo một cán bộ Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM, thí sinh hơn 50 tuổi đăng ký dự thi THPT quốc gia như ông Văn Bá Thọ đã là chuyện hiếm hoi, việc cả ba cha con cùng chung kỳ thi lại là chuyện rất hy hữu.
Mạnh Tùng