“Nhân sự chủ chốt cho các bộ làm chậm, nhưng cũng xong rồi. Cả ba đơn vị cấp bộ này, cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng, thuộc quyền quyết định của Thủ tướng, đều đã xong” - ông Trung nói. Tuy nhiên, với cán bộ cấp vụ, đến nay chỉ có Bộ Bưu chính viễn thông là cơ bản hoàn chỉnh. Bởi đơn vị này được nâng cấp từ Tổng cục Bưu điện lên. Ngoài bộ trưởng mới, ông Đỗ Trung Tá, do Quốc hội bầu, tổng cục trưởng cũ đã được bổ nhiệm thứ trưởng thường trực, một số tổng cục phó được bổ nhiệm làm thứ trưởng. Các vụ, chủ yếu được nâng cấp từ bộ phận tương ứng của tổng cục trước đây, cơ bản giữ nguyên cơ cấu nhân sự. Cuối tháng 11, Bộ này đã ra mắt sau khi Chính phủ ban hành nghị định về chức năng, nghiệm vụ, quyền hạn của đơn vị.
Việc nhân sự của Bộ Tài nguyên môi trường khó hơn một chút bởi được lập thành từ 3 đơn vị: Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Môi trường của Bộ Khoa học công nghệ & môi trường trước đây. Tuy nhiên, trong thẩm quyền của mình, Thủ tướng đã quyết định giữ nguyên lãnh đạo ba bộ phận này. Và vì tính chất công việc khá độc lập, nên Bộ cơ bản vẫn hoạt động ổn định như trước.
Với Ủy ban Dân số, gia đình & trẻ em, do được tổ chức trên cơ sở Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em, và Ủy ban quốc gia về Dân số & Kế hoạch hóa gia đình trước đây, và nay đang xem xét để thu gọn chức năng nhiệm vụ, nên tổ chức nhân sự khá khó khăn. Hai cán bộ lãnh đạo của 2 ủy ban cũ đã được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm ủy ban. Còn về nhân sự cấp vụ, giống như Bộ Tài nguyên môi trường, Ủy ban mới này vẫn còn chờ các nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy. Ông Đỗ Quang Trung cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện các nghị định này. Bộ trưởng sẽ có quyền quyết định các chức danh từ cấp vụ trưởng trở xuống”.
Theo Bộ trưởng Trung, lần sắp xếp này “không bị dôi dư biên chế nhiều lắm”, song vẫn tiếp tục “người có năng lực, trách nhiệm thì thiếu, người không đáp ứng được thì thừa”. Ông cho biết, một trong những hướng giải quyết là đẩy mạnh khoán chi hành chính. Chính sách này đã được thí điểm ở TP HCM, và kết quả là “giảm được biên chế, tăng được thu nhập mà công việc vẫn chạy”. Trong lúc Quốc hội chưa biết nên tăng mức lương tối thiểu 210.000 đồng/tháng hiện nay lên bao nhiêu thì ở trung tâm kinh tế phía Nam, những đơn vị thí điểm khoán hành chính đã tự quyết được mức lương tối thiểu cho cán bộ là 400.000 đồng/tháng. Kết quả khả quan đang thúc đẩy nhiều địa phương khác xin được khoán phí hành chính. Theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, đây là hướng để đẩy mạnh tinh giản biên chế ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Nghĩa Nhân