Ngày 8/8, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản đặc sắc của Việt Nam.
Ba bộ sẽ phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chỉ dẫn địa lý; thành lập hội đồng tư vấn hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý; phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý trên thị trường...
![Đại diện ba Bộ thực hiện ký kết. Ảnh: Ngũ Hiệp.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/08/ky-ket-6138-1533714369.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7PWWraN56Dyrlji6b1m8aQ)
Đại diện ba Bộ thực hiện ký kết. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Khi ra nước ngoài có tình trạng sản phẩm Việt Nam nhưng gắn mác Thái Lan (nước mắm Phú Quốc), hay cà phê Buôn Ma Thuột từng bị mất thương hiệu tại Trung Quốc do doanh nghiệp không chú trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ.
Để tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản Việt, có chỗ đứng trên thị trường thế giới, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý là vấn đề cấp thiết. Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải kỳ vọng khi ba bộ ký kết sẽ cùng xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu, tăng giá trị cho sản phẩm của Việt Nam (như lúa gạo, cá...), mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa: từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh để chỉ một quốc gia, vùng lãnh thổ, hay địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó.
Đến ngày 31/7, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó 62 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài với nhiều loại sản phẩm như: cam Cao Phong (Hòa Bình), nước mắm (Phú Quốc), lụa tơ tằm (Vạn Phúc), gạo Tám Xoan (Hải Hậu), nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng...