Người gửi: TH Duong
Gửi tới: Ban Pháp luật
Tiêu đề: Phải làm gì để ngăn chặn tiêu cực ở cửa khẩu
Tôi là một du học sinh, đã một lần về thăm nhà và chứng kiến những cảnh tiêu cực ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất nên vô cùng khó chịu và bức xúc.
Nếu ai từng đi nước ngoài sẽ thấy rằng không có cửa khẩu hải quan và xuất nhập cảnh nào trên thế giới giống như ở Việt Nam, kể cả các nước còn kém phát triển hơn ta. Họ nhã nhặn mà vẫn chuyên nghiệp, lịch sự mà vẫn nghiêm minh. Mỗi lần, tôi trò chuyện với ai đó có dịp về nước, cũng nghe phàn nàn về những điều tiêu cực ở cửa khẩu của nước mình. Một chuyến đi về thăm quê hương đáng lẽ phải được ghi nhớ bằng những điều vui mừng từ sự phát triển của đất nước, nhưng gợn trong ký ức vẫn là những điều bực mình từ việc làm thủ tục xuất nhập cảnh với hải quan và nhân viên kiểm soát.
Có quá nhiều ví dụ cụ thể mà mọi người đã đưa ra, ở đây tôi không nói đến nữa, chỉ xin đặt vấn đề: Tại sao tiêu cực vẫn tồn tại trong điều kiện đất nước ta đang phát triển về mọi mặt như hiện nay?. Một năm có cả triệu lượt kiều bào về nước thăm nhà, chỉ cần 10% trong số ấy phải chi 5-20 USD/người cho hải quan thì số tiền bất chính thu về có thể lên đến vài triệu USD. Đủ để xóa đói giảm nghèo trên khắp nước.
Vấn nạn hạch sách làm tiền của hải quan ai ai cũng đều biết đến, thì không có lý do gì mà cấp lãnh đạo của hải quan lại không rõ. Nếu nói rằng, họ biết nhưng không làm gì được thì hãy từ chức hoặc bị cách chức mới phải. Còn nếu biết nhưng không muốn làm gì để thay đổi thì lại là chuyện khác. Tôi xin nêu ra vài vài biện pháp để hạn chế và chấm dứt tiêu cực:
1. Trong phòng xếp hàng làm thủ tục, dựng vài bảng viết chữ: "Xin quý khách lưu ý, thủ tục khai hải quan không có giao dịch tiền bạc. Đưa và nhận tiền để làm thủ tục hải quan là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý". Nếu sợ xấu hổ với người nước ngoài vì phải nhắc nhở ý thức pháp luật đối với hành khách thì viết bằng tiếng Việt. Tôi đảm bảo 100% rằng không những kiều bào không cảm thấy xấu hổ mà còn thấy tự hào, và vững tin vào cơ quan chức năng. Nhắc nhở như vậy có hai mục đích. Thứ nhất là không có cớ gì để hải quan có thể nhận tiền của hành khách nữa, nếu nhận tức là đã vi phạm pháp luật. Thứ hai là giúp kiều bào biết được nhà nước quyết tâm sửa đổi vấn nạn, và sẽ không đưa tiền nữa để đóng góp tích cực vào quá trình thay đổi bộ mặt của hải quan. Sở dĩ mọi người đưa tiền là vì nghĩ rằng đó là "luật rừng" rồi, bị hạch họe thì cũng chẳng kiện ai được vì chẳng có cơ quan nào bảo vệ quyền của mình.
2. Gắn vài chiếc camera theo dõi hướng trực tiếp vào bàn làm việc của nhân viên hải quan và nơi kiểm soát hành lý. Vừa ghi lại quá khứ của phòng làm việc cho lý do an ninh, vừa lập được bằng chứng nếu tiêu cực phát sinh. Tiêu cực phát sinh chẳng hạn như đưa và nhận tiền, hoặc thái độ hạnh họe quan liêu đối với người nhập cảnh. Người khiếu nại chỉ cần ghi nhớ ngày giờ bị quấy rầy, tên của nhân viên hải quan để làm bằng chứng cho sự tiêu cực. Bộ phận kiểm tra sẽ căn cứ băng từ để xem lại quá trình làm thủ tục. Ngân sách để sắm hệ thống theo dõi ấy chẳng đáng bao nhiêu so với tầm cỡ của cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Nếu bảo rằng không có ngân sách thì cứ lập quỹ đi, kiều bào và những người đi nước ngoài sẽ rất vui lòng được đóng góp. Ai ai cũng thấy rằng thà đóng 10 USD cho quỹ chống tiêu cực ấy và thấy sự thay đổi hơn là qua cửa khẩu và mất tiền cho những nhân viên tha hóa. Chỉ cần vài tuần thì số tiền đóng góp tự nguyện sẽ dư sức để đầu tư một hệ thống như vậy.
3. Treo bảng quy định của việc làm thủ tục, trong đó nêu rõ thời gian làm thủ tục tối đa sẽ mất mấy phút, và nêu rõ rằng nhân viên hải quan phải có trách nhiệm giải thích và giúp người nhập cảnh làm đúng thủ tục. Khi đã treo bảng rồi thi không có lý gì mà nhân viện hải quan lầm lì không giải thích cho người nhập cảnh giấy tờ của họ thiếu sót cái gì, rồi đuổi họ về cuối hàng xếp hàng lại từ đầu được. Nếu người nhập cảnh quả thực có vấn đề về giấy tờ thì phải có một bộ phận cấp trên (supervisor) giải quyết cho họ ngay chứ không thể đuổi họ về cuối hàng như một hình thức "phạt" như thế. Với một quy định như vậy, người dân ít nhất cũng có bảo hộ và bằng chứng về mặt lý lẽ trước những thái độ bất lịch sự và không trả lời của hải quan.
Nói thực, chỉ vài phút suy nghĩ tôi cũng có được mấy ý kiến trên để hạn chế và đi đến chấm dứt tiêu cực. Xin hỏi cấp lãnh đạo của hải quan và bộ phận kiểm soát Tân Sơn Nhất sao không thể làm gì được để thay đổi, hay là không muốn thay đổi. Họ đã phụ lòng người dân và chủ trương của nhà nước. Chúng tôi tha thiết các cơ quan chức năng can thiệp để làm đẹp cửa ngõ vào Việt Nam, để những người Việt xa xứ được chào đón khi trở về đất mẹ với tư cách là những người con của tổ quốc.
Xin chân thành cảm ơn báo VnExpress đã cho chúng tôi một diễn đàn nói thẳng nói thực tuyệt vời. Đã nhiều lần tôi thấy sự dũng cảm của quý báo khi phản ánh thực tế, và tôi cũng đã đôi lần tham gia diễn đàn Bạn đọc viết. Lần này, tôi hy vọng lại được đóng góp chung vào tiếng nói của những người bức xúc trước những tiêu cực ở nước nhà.
TH Duong