Các nhà nghiên cứu từ Đại học Columbia Vagelos phân tích câu hỏi khảo sát, đánh giá thể chất, nhật ký khám bệnh và các yếu tố khác của 187 phụ nữ mang thai khỏe mạnh trong độ tuổi 18-45. Kết quả, khoảng 66,8% được đánh giá khỏe mạnh, 17% căng thẳng tâm lý (lo lắng, trầm cảm, stress), khoảng 16% căng thẳng thể chất, có mức huyết áp cao hơn và tiêu thụ nhiều calo hơn so với những phụ nữ khác.
Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ giới tính khi sinh bình quân là 105 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Tỷ lệ này thay đổi với những phụ nữ có mức độ căng thẳng tinh thần hoặc thể chất cao trong thời kỳ mang thai, số trẻ gái được sinh ra nhiều hơn trẻ trai.
Thai nhi giới tính nam dễ bị tổn thương hơn trước những tác động bất lợi của môi trường trước khi sinh, bao gồm sức khỏe tâm sinh lý người mẹ. Phụ nữ bị căng thẳng cao có thể tỷ lệ sinh con trai thấp hơn con gái do đã bị sảy thai nhi trai trước đó mà không hề biết.
"Tử cung là ngôi nhà nuôi dưỡng đầu tiên của mỗi con người, tác động của nó đến thai nhi vô cùng lớn", giáo sư tâm lý học Catherine Monk, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. "Các nghiên cứu khác cũng đã quan sát được điều này sau những biến động xã hội, ví dụ sau vụ khủng bố 11/9 tại New York, số ca sinh con trai giảm tương đối", bà bổ sung.
Nghiên cứu cũng phát hiện mẹ bầu căng thẳng thể chất có nguy cơ sinh con sớm hơn 1,5 tuần so với dự kiến, nhiều khả năng nhịp tim thai nhi thấp, khiến hệ thần kinh trung ương của trẻ phát triển kém sau sinh ra.
So với phụ nữ khỏe mạnh, phụ nữ bị căng thẳng tâm lý có nhiều khả năng con bị biến chứng khi sinh. Phát hiện này "trùng khớp với kết quả một nghiên cứu trước đây về biến chứng khi sinh ở trẻ sinh ra bởi những phụ nữ mắc bệnh tâm thần".
Nghiên cứu được công bố ngày 14/10, từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Lê Hằng (Theo Fox News)