Sau khi cấp cứu ở cơ sở y tế huyện, người bà xuất viện, còn hai em bé biểu hiện ngộ độc nặng hơn, được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Các bác sĩ ngày 1/7 cho biết, một bé 9 tuổi, một bé 6 tuổi, nhập viện trong tình trạng li bì, nôn nhiều, tiêu chảy không kiểm soát, sốt liên tục 39-40 độ. Bé 9 tuổi còn bị rối loạn điện giải nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi cho biết ngay khi tiếp nhận hai cháu, các bác sĩ tiến hành cấp cứu điều chỉnh dịch, cân bằng điện giải, sử dụng kháng sinh đường ruột, hạ sốt.
Sau hai ngày điều trị tích cực, các bé ổn định hơn, tỉnh táo, không sốt, giảm nôn khan và đau bụng, kiểm soát được tiêu chảy.
Khoảng một tháng trở lại đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ Đỗ Quang Út, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, cho biết đa số trường hợp sau khi sử dụng các thực phẩm không hợp vệ sinh, vào viện trong tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, sốt, mất nước từ mức độ nhẹ đến nặng.
Các bệnh nhân đều được phát hiện và điều trị kịp thời bằng truyền dịch, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, bù nước điện giải tích cực... Đa phần người bệnh ổn định, được xuất viện.
Bác sĩ Út nhận định ngộ độc thực phẩm nếu không được xử trí kịp thời tình trạng có thể diễn biến nặng như suy thận cấp, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn nặng, suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.
Theo bác sĩ, thời tiết mùa hè gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều hơn. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao làm thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất, nhất là các nhóm thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm như thịt, cá, hải sản, sữa... Đây là điều kiện rất lý tưởng để các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Những vi khuẩn gây bệnh được phát hiện nhiều nhất trong thực phẩm không bảo đảm an toàn, là vi khuẩn đường ruột Salmonella, vi khuẩn E.coli... Chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản thực phẩm không tốt là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần lựa mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Bảo quản những thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng của mùa hè, không nên để ngoài quá một giờ.
Khi chế biến, đảm bảo vệ sinh tay cũng như dụng cụ chế biến thực phẩm sạch sẽ, đúng cách. Ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp, ăn chín uống sôi.
Đặc biệt, không tự ý dùng thuốc khi có triệu chứng. Trong trường hợp không may bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như trên là buồn nôn, đau bụng... cần đến cơ sở y tế sớm để tránh cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng.
Thúy Quỳnh