Tháng 1/2018, Trung Quốc tổ chức chiến dịch đặc biệt kéo dài ba năm, tập trung đấu tranh chống tội phạm và thế lực ngầm trên cả nước, dẫn đến cuộc chấn chỉnh toàn diện các ngành và lĩnh vực trọng điểm.
Tháng 10/2018, dựa trên báo cáo của quần chúng, Ủy ban Kiểm tra, Giám sát và Kỷ luật Thành phố Cáp Nhĩ Tân thành lập tổ chuyên án điều tra các hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật của hai cán bộ cấp cao ngành điện là Lý Vĩ và Lý Đồng.
Theo Đội Điều tra hình sự của Sở Công an Thành phố Cáp Nhĩ Tân, năm 2018, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị gây trở ngại trong quá trình sử dụng, lắp đặt, đấu nối điện. Họ do đó nhiều lần khiếu nại lên Thành ủy.
Không chỉ các doanh nghiệp khổ vì điện, một số khu dân cư ở Cáp Nhĩ Tân cũng thường xuyên mất điện đột ngột. Nguyên nhân là họ sử dụng điện thi công tạm thời trong thời gian dài, tủ điện tạm không chịu được phụ tải lớn của mức tiêu thụ điện dân dụng. Trong khi đó, theo lẽ thường, khu dân cư phải có nguồn cung cấp điện chính thức trước khi dân vào ở.
Những vấn đề này đều có liên quan Lý Vĩ và Lý Đồng.
Lý Vĩ, sinh năm 1959, và Lý Đồng, sinh năm 1970, là anh em. Năm 2010, Vĩ là trợ lý cho Cục trưởng Cục Điện lực Cáp Nhĩ Tân, kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Tập đoàn Công nghiệp Điện lực Cáp Nhĩ Tân. Ba năm sau, Vĩ được đề bạt làm Phó cục trưởng Cục Điện lực Cáp Nhĩ Tân, Đồng tiếp nhận vị trí tổng giám đốc của anh.
Từ năm 2010 đến 2016, khi Vĩ bắt đầu quản lý cấp điện đồng bộ, một quy định mới được đưa ra là nếu ai muốn nhanh chóng được cấp điện, phải đưa ra lợi ích tương ứng.
Theo chính sách, công trình đồng bộ nên được mời thầu công khai với tất cả công ty điện lực đủ điều kiện. Tuy nhiên, trong thời gian Vỹ làm Phó cục trưởng Cục Điện lực, hầu hết cuộc đấu thầu công khai đã trở thành chỉ định cá nhân của ông ta. Tất cả dự án đều được trao cho các công ty con dưới trướng qua gian lận đấu thầu.
Khi một chủ đầu tư nộp đơn xin cấp điện, Vĩ sẽ giao dự án cho công ty con là Công ty Tập đoàn Công nghiệp Điện lực Cáp Nhĩ Tân, tức Đồng là người đảm nhận, sau đó bổ sung quy trình đấu thầu mang tính hình thức.
Nếu không phải đơn vị thi công do Vĩ chỉ định, ông ta sẽ không nghiệm thu và không cung cấp điện. Nếu ai vi phạm quy định của họ, công trình đó sẽ gặp vô vàn rắc rối về sử dụng điện.
Sau khi nhận được dự án từ Vĩ, Đồng sẽ cho thầu lại, hầu hết được giao cho anh trai thứ ba là Lý Kiến. Nhờ anh cả Lý Vĩ có quyền lực, em út Lý Đồng nắm các dự án, Lý Kiến thành lập nhiều công ty lắp đặt hệ thống điện ở Cáp Nhĩ Tân, chịu trách nhiệm thi công.
Họ kiểm soát khâu cuối cùng là nghiệm thu và truyền tải điện, nên nếu ai muốn thầu dự án điện đều phải thông qua anh em họ Lý, nếu không cho họ nhúng tay vào thì doanh nghiệp và đơn vị sử dụng điện sẽ bị đe dọa tống tiền và bạo lực.
Vĩ khẳng định mọi vấn đề về điện lực ở tỉnh Hắc Long Giang đều do ông ta định đoạt.
Cảnh sát phát hiện tổng giá trị các dự án điện do anh em họ Lý thâu tóm lên tới hơn 3,16 tỷ nhân dân tệ, lũng đoạn 77% hệ thống điện địa phương thông qua các thủ đoạn phi pháp. Không chỉ vơ vét của cải qua dự án điện, họ còn nhận hơn 20 triệu nhân dân tệ tiền đút lót từ công ty khác.
Khi khám xét, cảnh sát tìm thấy số tài sản khổng lồ của ba anh em. Vĩ sở hữu 96 chiếc xe sang với tổng giá trị gần 100 triệu nhân dân tệ. Đồng có bộ sưu tập cá nhân gồm nhiều cổ vật quý giá như mãng bào thời nhà Thanh, đĩa hoa văn rồng từ thời vua Ung Chính, bát và bình hoa thời vua Càn Long.
Ngoài xe sang và đồ cổ, anh em nhà họ Lý còn sở hữu 69 bất động sản và một bến tàu sang trọng trên sông Tùng Hoa. Trong số 69 bất động sản, có 55 ngôi nhà và căn hộ ở Cáp Nhĩ Tân, được phân bố trong 26 khu dân cư từ trung cấp đến cao cấp, giá trị 800 triệu nhân dân tệ.
Khi mua bất động sản và xe, họ không cần vay hay trả góp mà đều trả hết một lần bằng tiền mặt hoặc quẹt thẻ. Số tiền mặt và tiền gửi ngân hàng bị thu giữ là gần 1 tỷ nhân dân tệ.
Thế lực của họ Lý không ngừng bành trướng, trở thành "trùm" có thể một tay che trời trong lĩnh vực cung cấp điện ở Cáp Nhĩ Tân. Ba anh em được ví như ba con hổ dữ thâu tóm ngành điện nơi đây trong nhiều năm, trở thành "khối u ác tính" cản trở việc cải thiện dân sinh và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tháng 6/2019, tổ công tác của Ban chỉ đạo trung ương về chống tội phạm và thế lực ngầm đến tỉnh Hắc Long Giang, tập trung giám sát, đôn đốc vụ án Vĩ và Đồng, đào sâu "ô dù" phía sau họ.
Sau gần hai năm điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ tổng cộng 155 nghi phạm, điều tra xử lý 308 vụ án hình sự. Ba anh em họ Lý bị cáo buộc 24 tội danh bao gồm cầm đầu tổ chức có tính chất xã hội đen, cố ý gây thương tích, giam giữ trái phép, cưỡng ép giao dịch. Số lượng hồ sơ vụ án là 3.285 quyển, có thể trải khắp năm sân bóng rổ.
Ngày 24/8/2020, Vĩ, Đồng cùng gần 20 người khác bị xét xử.
Ngày 30/10/2020, tòa tuyên án tử hình, hoãn thi hành án hai năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu tất cả tài sản cá nhân đối với Vĩ và Đồng.
Vĩ từ một công nhân lắp đặt điện bình thường, được đề bạt làm Phó cục trưởng Cục Điện lực, ông ta và Đồng đều được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân thành phố. Hai kẻ làm chuyện phi pháp mà lên như diều gặp gió, phơi bày sự thất trách, buông lỏng giám sát của các bộ phận và nhân viên liên quan. Ủy ban Kiểm tra, Giám sát và Kỷ luật thành phố Cáp Nhĩ Tân đã lập hồ sơ điều tra hơn 30 nhân viên công chức, đồng thời truy cứu trách nhiệm của 64 cán bộ Đảng viên và nhân viên công chức có liên quan.
Tuệ Anh (Theo CCTV)