Căn nhà chừng 10 m2 nằm sâu trong hẻm nhỏ thuộc quận 6 là nơi ông Cường sống lủi thủi một mình nhiều năm nay, được người cháu cho ở nhờ. Xắn lại tay áo sơ mi đã rách vai, người đàn ông 66 tuổi lôi chiếc thùng xốp đựng vài món đồ lặt vặt, xấp hồ sơ và những tờ báo ố vàng ra giữa nhà. Đó là bằng chứng, bài viết về vụ án 4 cán bộ công an, viện kiểm sát, sai phạm khiến ông và hai người anh bị bắt oan 38 năm trước. Nhưng đến giờ ông vẫn mang thân phận bị can, chưa được xin lỗi và bồi thường oan sai.
"Những tờ báo này do người dân lúc đó đưa cho tôi. Tôi không biết chữ nhưng nội dung báo nói gì thì thuộc lòng. Người sai phạm đã bị xét xử, hai người anh của tôi đã chết, còn tôi thì vẫn chưa được xin lỗi", ông Cường nói.
Ngày 28/2/1985, từ trình báo của nhà hàng xóm về việc bị mất trộm 5,5 lượng vàng, 118.000 đồng và một số nữ trang, ông Cường cùng anh vợ là Hà Văn Được và anh cột chèo Trần Đức Ẩn bị Công an quận 6 bắt do nghi ngờ là thủ phạm. Quá trình bị điều tra, ba anh em ông một mực kêu oan.
Hồ sơ vụ án thể hiện, có nhiều dấu hiệu cho thấy hiện trường vụ án được nguỵ tạo, song thiếu tá Nguyễn Hữu Đô (Đội trưởng Hình sự Công an quận 6) "cố tình làm sai lệch hồ sơ để che giấu việc bắt giam người thiếu căn cứ". Cho rằng các nghi can ngoan cố không thừa nhận hành vi phạm tội, Công an quận 6 chuyển việc điều tra lên Công an TP HCM, 3 anh em ông bị đưa vào vào trại giam Chí Hòa. Bị ép nhận tội, ông Được tự tử trong trại giam vào đêm 8/4/1985.
Mẹ vợ ông Cường - bà Đồng Thị Ba, làm đơn khiếu nại các cơ quan chức năng, sau đó chính quyền thành phố vào cuộc thanh tra. Ông Cường và ông Ẩn được trả tự do.
Ông Cường cho biết, trước lúc bị bắt, gia đình ông và hai người anh sống chung nhà với bà Ba. Để có tiền đi khiếu nại, kêu oan cho các con, bà Ba phải bán căn nhà này. Ông Ẩn được trả tự do trước ông Cường hơn một năm nhưng yếu ớt, mất sức lao động. Không có nhà ở, ông sống dưới gầm cầu cho đến khi chết.
"Nói chung là tan nát hết, không còn một cái gì. Lúc chết anh Được có một cô con gái, còn anh Ẩn thì có 3 con. Sau khi anh em tôi bị vướng vào vụ án oan, chúng không được học hành. Giờ vợ con các anh ấy sống thế nào tôi cũng không biết", ông Cường nói.
Khi ông được thả về, vợ đã đi lấy chồng mới, hai người con ở với bà ngoại. Lúc đó sức khoẻ ông rất yếu vì bị đánh đập, nhốt trong phòng biệt giam nhiều ngày, lại thêm mặc cảm buồn phiền nên về nhà mẹ đẻ sống. Mất mát lớn nhất với ông là cha mình đã đổ bệnh, qua đời chỉ chưa đầy một tháng sau khi ông bị bắt.
"Cha tôi làm nghề bốc thuốc Đông y. Trước đó, ông không hài lòng vợ tôi, ngăn cản đám cưới. Khi tôi bị bắt, ông càng buồn bực vì nghĩ tôi theo gia đình vợ nên mới làm chuyện tầm bậy. Ông chết mà không biết tôi bị oan", ông Cường cho biết, giọng buồn rượi.
Công an quận 6 cho ông chiếc xích lô cũ để làm phương tiện mưu sinh. Một thời gian sau ông bị ốm, phải bán chiếc xe lấy tiền thang thuốc. Sau hơn chục năm làm thuê kiếm sống, ông bị mất sức lao động nên vào chùa làm công quả, hàng ngày phụ nấu cơm từ thiện. "Túng quá thì đêm khuya ra ngã ba đường ngồi cũng có người hảo tâm cho ít tiền", ông Cường nói.
Từ lúc được trả tự do, ông đã nhiều lần khiếu nại Công an và VKSND quận 6 về việc xin lỗi và bồi thường oan sai nhưng đến nay không được giải quyết. Năm 2011, ông được một số cán bộ về hưu hướng dẫn làm đơn khởi kiện lên TAND quận 6 nhưng do không có tài liệu chứng cứ nên tòa không thụ lý. Hai năm trước, một số luật sư hỗ trợ pháp lý đã giúp ông trích lục lại các tài liệu chứng cứ, tiếp tục nộp đơn kiện VKSND quận 6 yêu cầu phục hồi danh dự, xin lỗi công khai và bồi thường oan sai.
TAND quận 6 đã thụ lý vụ án, dự kiến ngày 14/2 sẽ triệu tập các bên làm việc.
Hải Duyên