Avatar lấy bối cảnh một hành tinh kỳ ảo cách xa trái đất. Ảnh: Imdb. |
Với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Sam Worthington, Sigourney Weaver và Zoe Saldana, bộ phim lấy bối cảnh hành tinh kỳ ảo Pandora cách xa trái đất, nơi có những loài cây cao hàng trăm mét, những cánh rừng lấp lánh, những loài dã thú đáng sợ và chủng tộc Navi - cao, da xanh, thân thiện. Sam Worthington, diễn viên nổi lên từ phim Terminator Salvation, thủ vai chính với cái tên Jake Sully. Tình cờ, Jake Sully phát hiện ra sự tồn tại của một hành tinh lạ, khi đáp xuống thám hiểm, anh bắt đầu phải đấu tranh để giành sự sống trên vùng đất mới. Cuối cùng khi cuộc chiến không mong đợi nổ ra, anh đã chiến đấu và trở thành cư dân của hành tinh này.
Với hơn 10 năm ấp ủ và ngốn tới hơn 200 triệu USD, Avatar được các fan hâm mộ trên toàn thế giới thay nhau bình chọn là một "bước đột phá", "cuộc cách mạng", hay "tương lai của điện ảnh"
Đạo diễn James Cameron cho biết, ông đã viết kịch bản phim này cách đây 14 năm, với hy vọng đẩy mạnh sự phát triển của hãng Digital Domain chuyên về hiệu ứng hình ảnh kỹ thuật số 3D, nơi ông là giám đốc điều hành. Ông nói, trước đây tôi viết kịch bản Kẻ hủy diệt (Terminator) cũng để thử khả năng công nghệ. Sau đó, tôi quyết định viết một câu chuyện mà các nhân vật và sinh vật đều đòi hỏi hiệu ứng hình ảnh vi tính đồ họa cao, để Digital Domain thực hiện. Nhưng khi đó, các nhà thiết kế tuyên bố họ chưa thể làm được.
Hơn 10 năm sau, James Cameron cho rằng công nghệ đã có thể đáp ứng được yêu cầu sáng tạo của mình. Ông ghép những sinh vật được tạo ra từ kỹ thuật vi tính vào các diễn viên thật khi quay phim. Kết quả thu được là một Avatar hoành tráng hứa hẹn thành công không kém gì Titanic đình đám cũng do ông làm đạo diễn những năm 1997.
James Cameron, đạo diễn của phim Titanic và nay là Avatar. Ảnh: Imbd. |
Có thể nói Avatar của đạo diễn James Cameron là một dấu ấn quan trọng theo khá nhiều nghĩa. Thứ nhất, phim đã sử dụng công nghệ 3D khá thành công chứ không chỉ là những lời quảng cáo suông như các phim khác trước đây. Nhưng có lẽ có ý nghĩa hơn, đó là việc Panasonic đã ký thỏa thuận với hãng phim 20th Century Fox sử dụng bộ phim này quảng bá cho sự ra mắt của thế hệ HDTV và đầu Blu-ray 3D của mình. Trên thực tế, phim Avatar sẽ chính thức trở thành một nội dung quan trọng trong công nghệ 3D của Panasonic tại Hollywood và dự kiến đĩa sản phẩm sẽ ra mắt vào mùa Phục Sinh năm tới.
Hiệp hội đĩa Blu-ray (BDA) trong triển lãm IFA gần đây cũng đã bày tỏ muốn tìm kiếm một chuẩn mô tả thống nhất nhằm đảm bảo cung cấp các nội dung 3D trên nền Blu-ray. Tại triển lãm này, một quan chức cao cấp của Panasonic đã hùng hồn tuyên bố hãng sẽ đi đầu trong trào lưu Full HD 3D. Quan chức này cho biết BDA đã đồng tình với tư tưởng Full HD 3D của hãng. Panasonic vì thế sẽ không chỉ còn là nhà sản xuất thiết bị mà còn góp phần tạo ra một mối hiệp lực mới giữa nội dung 3D và các thiết bị 3D.
CEO Howard Stringer của Sony, hãng đứng đằng sau kế hoạch 3D của BDA cũng cho biết, Sony cũng hứa hẹn sẽ sớm ra mắt đầy đủ các thiết bị hỗ trợ và hiển thị 3D trong năm 2010 tới. Ông cho biết "3D ngày nay rõ ràng đã trở thành xu hướng chính trên thị trường. Vài năm trước khi độ phân giải cao mới ra đời có nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Nhưng con tàu 3D giờ đã vào guồng và chúng tôi, Sony, sẵn sàng đưa nó đến từng nhà".
Nhà đài vệ tinh Sky cũng đang bắt đầu chuyển hướng phát sóng 3D, nhưng có vẻ như Sky sẽ không phát 1080p mà thay vào đó là 1080i. Hãng này sẽ ra mắt dịch vụ phim 3D vào tháng 2 năm sau và chắc chắn phim Avatar cũng sẽ là một hạt nhân cho chiến dịch này, bởi hãng mẹ của Sky, hãng News Corp, cũng chính là hãng mẹ của 20th Century Fox.
John Landau, nhà sản xuất của James Cameron, người vốn rất thông thạo về 3D, cho biết, bộ phim Avatar sẽ là một dấu ấn mới trong lịch sử điện ảnh và ông tin rằng giờ là lúc đến thời của 3D. Ngoài ra, ông cũng đang dự định ra mắt lại phiên bản đình đám Titanic của Cameron dưới dạng 3D bên cạnh một số dự án chuyển thể phim 3D khác.
Một cảnh trong phim Avatar. Ảnh: Newsoftheworld. |
Tuy nhiên, theo bình luận viên trên tạp chí Home Cinema Choice, Avatar vẫn chưa đạt được độ hoành tráng như những lời quảng cáo. Từ những thước phim được công chiếu kín, có thể thấy rằng tất cả các hiệu ứng thực ra cũng đều đã từng được Hollywood thử nghiệm trước đây như công nghệ tăng chiều sâu ảnh hay làm những cảnh mà đối tượng đột ngột nhảy thẳng vào người xem Chỉ có một điều khác biệt là tất cả các cảnh đều được xử lý 3D thay vì có những cảnh chỉ cần 2D là đủ, như những cảnh lia máy hay chuyển động nhanh đến mức mắt thường sẽ không có cơ hội để nhận ra chiều sâu thứ ba của ảnh so với diễn biến trong phim.
Một điều đáng lưu ý nữa là mặc dù công nghệ 3D đã có những bước tiến đáng kể kể từ Hollywood phát triển công nghệ này những năm 1950, nhưng hình ảnh vẫn chưa đủ độ sắc nét. Các cảnh quay trong Avatar vẫn có xu hướng hơi mờ nhẹ khi ứng dụng hiệu ứng đánh lừa mắt về cảm giác 3D. So với độ phân giải siêu nét và trung thực với các dàn chiếu phim cao cấp tại gia thì độ phân giải phim rạp 3D này có vẻ vẫn chưa xứng đồng tiền bát gạo.
Cuộc chạy đua làm phim 3D vẫn liên tục và đang đến hồi nước rút. Bất cứ đạo diễn nào khi được hỏi cũng đều cho biết đang ấp ủ một phiên bản 3D nào đó dưới rất nhiều dự án khác nhau. Một trong số đó có thể kể đến dự án chuyển thể 3D bộ phim hoạt hình kinh điển Alice ở xứ sở diệu kỳ của đạo diễn Tim Burton. Hãng Disney dự kiến sẽ ra mắt phiên bản xử lý 3D hậu kỳ của phim này vào mùa hè tới.
Liệu 3D có phải là mốt nhất thời thoáng qua hay không? Rất có thể. Nên nhớ rằng các nhà làm phim thời nào cũng vẫn luôn là những người kể chuyện, và 3D là một công cụ hỗ trợ cho công việc này chứ không phải là đích cuối cùng hướng tới.
* Xem trailer 2D của phim Avatar.
Nguyễn Hà