Ngày 2/4, công bố bản dự toán ngân sách liên bang 2019-2020, Australia cho hay sẽ dành ra 7,8 triệu AUD trong vòng bốn năm để xây dựng Hệ thống lưu trữ công khai tội phạm xâm hại tình dục trẻ em quốc gia với hy vọng sẽ cung cấp cách tiếp cận thống nhất trong việc công khai thông tin tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Cơ sở dữ liệu công khai sẽ nằm dưới sự quản lý của Ủy ban tình báo tội phạm Australia, và do các cơ quan cảnh sát ở các bang đóng góp cung cấp thông tin. Với hệ thống này, người dân Australia sẽ có thể tìm được tên tuổi, ngày sinh, biệt danh, ngoại hình, và ảnh chụp của hàng nghìn kẻ ấu dâm đã bị kết tội, cũng như "bản chất tội ác và địa điểm gây án". Hệ thống này sẽ được dựa trên mô hình nước Mỹ áp dụng vào thập niên 1990, nhưng điểm khác biệt là hệ thống của Australia sẽ chỉ công khai địa phương nơi những kẻ đã bị kết tội đang sống, không tiết lộ địa chỉ chính xác.
Bản dự toán ngân sách không nói rõ những loại tội phạm nào sẽ bị lưu danh vào hệ thống, chẳng hạn những kẻ phạm tội tàng trữ hoặc sử dụng phim khiêu dâm trẻ em nhưng không có hành vi xâm hại trực tiếp, hoặc đối với những tội phạm nếu bị công khai cũng đồng thời làm lộ danh tính của nạn nhân (ví dụ như khi bố mẹ ngược đãi con).
Ý tưởng xây dựng Hệ thống lưu trữ công khai tội phạm xâm hại tình dục trẻ em quốc gia được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Peter Dutton đề xuất và theo đuổi từ tháng 1. Bộ trưởng cho rằng sáng kiến này sẽ giúp làm giảm số lượng tội phạm xâm hại trẻ em trên phạm vi cả nước, đồng thời gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Australia sẽ không khoan nhượng với ai có ý định nhắm vào trẻ em, thành phần dễ tổn thương của cộng đồng.
Tuy vậy, một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em không đồng tình với bộ trưởng. Theo họ, việc công khai danh tính kẻ phạm tội không có tác dụng nâng cao độ an toàn hoặc phòng ngừa tội phạm như mong muốn, thậm chí còn có thể khuyến khích dạng "công lý đường phố" (thực thi pháp luật trái thẩm quyền).
Australia hiện tồn tại hệ thống lưu trữ quốc gia người phạm tội với trẻ em (ANCOR) nhưng chỉ lực lượng cảnh sát được dùng để giám sát những cá nhân chấp hành xong án tù. Một người có tên trong hệ thống có thể sẽ bị giám sát trong 8 năm, 15 năm, hoặc suốt đời (bốn năm hoặc 7,5 năm đối với người phạm tội khi là trẻ vị thành niên).
Tiểu bang Tây Úc của Australia công khai thông tin của kẻ phạm tội, bắt đầu từ năm 2012. Người dân cần xuất trình họ tên và bằng lái xe để yêu cầu thông tin về tội phạm xâm hại trẻ em tại địa phương sinh sống. Phụ huynh cũng có thể yêu cầu nhà chức trách xác minh liệu người có cơ hội tiếp xúc với con mình có phải là tội phạm xâm hại trẻ em bị ghi danh trong hệ thống hay không.
Quốc Đạt (Theo Daily Mail, News)