Sau gần hai năm phát triển, robot bảo vệ san hô RangerBot hôm qua chính thức ra mắt tại công viên thủy cung Reef HQ Aquarium ở thành phố Townsville, Australia, AFP đưa tin. Đây là robot tự động đầu tiên trên thế giới có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt sao biển gai với độ chính xác gần như tuyệt đối.
RangerBot được phát triển bởi một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia với sự tài trợ của Google và Tổ chức bảo tồn Rạn san hô Great Barrier. Robot là phiên bản nâng cấp của nguyên mẫu COTSbot từng được giới thiệu vào năm 2015.
Theo Giáo sư Matthew Dunbabin thuộc QUT, thiết bị chỉ sử dụng công nghệ thị giác máy tính để điều hướng, tránh vật cản và thực hiện các nhiệm vụ khoa học phức tạp. Nó có thể nhận diện loài sao biển gai ăn san hô với độ chính xác lên tới 99,4%, sau đó tiêm chất độc để tiêu diệt con vật mà không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, robot đa chức năng này còn có thể giúp các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu, lập bản đồ và giám sát nhiều vấn đề mà các rạn san hô đang phải đối mặt như ô nhiễm, chất lượng nước, hiện tượng tẩy trắng, lắng bùn hay các loài gây hại khác.
RangerBot có thể hoạt động liên tục 8 giờ dưới nước, gấp gần ba lần so với thợ lặn và có khả năng vận hành trong nhiều điều kiện môi trường phức tạp. Nhờ đó, thiết bị có thể thay thế con người trong nhiều công việc nghiên cứu nguy hiểm.
Sao biển gai là một trong ba mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô, bên cạnh hiện tượng tẩy trắng và ô nhiễm nguồn nước. Loài sinh vật biển gây hại này đang sinh sôi nảy nở rất nhanh tại rạn san hô Great Barrier ở Australia. RangerBot dự kiến sẽ sớm được đưa vào hoạt động tại rạn san hô lớn nhất thế giới này.