Peter Jennings, lãnh đạo Viện Chính sách Chiến lược Australia, hôm 19/2 cho rằng các hãng hàng không chở khách cần đánh giá mối đe dọa của tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông và cân nhắc đổi hướng bay quanh các đảo.
"Sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận tương tự với các hãng hàng không thương mại, đặc biệt sau vụ ở Ukraine. Trước đó không có nhiều người quan tâm về tên lửa đất đối không, nhưng giờ bất cứ hãng hàng không thương mại nào cũng phải tính đến rủi ro đó, và sẽ phải bắt đầu nghĩ về việc đổi hướng", Sydney Morning Herald dẫn lời ông Jennings, cựu quan chức quốc phòng cấp cao, nói.
Ông nêu lên kịch bản thảm họa MH17, trong đó 39 công dân và cư dân Australia thiệt mạng, và cho rằng sự hiện diện của tên lửa đất đối không Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa có thể gây ra nguy hiểm tương tự với các máy bay thương mại cũng như phi cơ của không quân Australia.
Chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines rơi ngày 17/7/2014 khi đang bay qua phần lãnh thổ phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, làm toàn bộ 298 người trên khoang, hầu hết là công dân Hà Lan, thiệt mạng. Báo cáo của Ủy ban An toàn Hà Lan, cơ quan điều tra thảm họa MH17, cho rằng phi cơ Malaysia bị một tên lửa Buk bắn rơi, nhưng chưa chỉ ra được bên nào có trách nhiệm trong vụ việc.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tuần trước tới Bắc Kinh và nêu "quan ngại sâu sắc" về vấn đề. Trả lời ABC News, bà Bishop hôm qua cho biết phía Trung Quốc không xác nhận cũng không bác bỏ về thông tin triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Chúng ta đang nói tới khu vực máy bay dân sự đi qua, nơi có nhiều phương tiện đi lại, vì đó là tuyến thương mại quan trọng, không chỉ với Australia mà cả các nước khác... Quan điểm của tôi là nếu có tên lửa đất đối không ở khu vực máy bay thương mại bay qua, thì có nguy cơ tính toán sai".
Khi được hỏi ngành công nghiệp hàng không thương mại nên phản ứng thế nào với nguy cơ này, bà Bishop nói các máy bay và tàu thương mại "nên tiếp tục như bình thường vì Trung Quốc đã hứa không quân sự hóa".
Bắc Kinh được cho là đã thiết lập hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 phi pháp ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Truyền thông Mỹ đưa tin đầu tiên về việc này và các nguồn tin quân sự Đài Loan cũng xác nhận. Mỹ đã lên án Trung Quốc đang gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông.
Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc nhằm phản đối Bắc Kinh đưa tên lửa đến Phú Lâm và xây căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa. Việt Nam cho rằng hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái.
Trọng Giáp