Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, hôm 29/10 cho hay chiếc Boeing 737 MAX 8 được hãng Lion Air đưa vào hoạt động hôm 15/8 và mới bay được 800 giờ trước khi lao xuống biển hôm qua, có thể khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng, theo CNN. Đây là tai nạn đầu tiên của dòng 737 MAX, phiên bản hiện đại hóa và tiết kiệm nhiên liệu của dòng Boeing 737 ra đời năm 1968. Chiếc 737 MAX đầu tiên được đưa vào vận hành năm 2017. Hơn 10.000 chiếc Boeing 737 đã được sản xuất và trở thành máy bay bán chạy nhất trong lịch sử ngành hàng không.
"Sau tai nạn nghiêm trọng của máy bay Lion Air hôm 29/10/2018, các quan chức chính phủ và nhà thầu Australia đã được hướng dẫn không bay hãng Lion Air. Quyết định này sẽ được xem xét lại khi điều tra rõ nguyên nhân tai nạn", theo thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trưa qua.
Năm 2007, EU đã cấm toàn bộ 51 hãng hàng không bay Indonesia, trong đó có Lion Air, vào không phận, sau hàng loạt vụ tai nạn và lo ngại giảm tiêu chuẩn an toàn. Cùng năm đó, một máy bay của hãng Garuda, Indonesia chở 140 người đã trượt khỏi đường băng ở thành phố Yogyakarta và bốc cháy, khiến 21 người thiệt mạng, bao gồm 5 người Australia.
Tuy nhiên, sau khi các tiêu chuẩn an toàn được cải thiện, những hãng hàng không lớn của Indonesia, bao gồm Lion Air, đã dần được loại khỏi danh sách đen của EU. Những hãng khác cũng bị đưa khỏi danh sách hồi đầu năm nay.
Lion Air đang vận hành 11 máy bay Boeing 737 MAX 8 và những máy bay khác không gặp vấn đề kỹ thuật chung nào. Lion Air không có kế hoạch dừng hoạt động những chiếc Boeing 737 MAX 8 còn lại trong phi đội.
Trước khi chuyến bay mang số hiệu JT610 chở 189 người đâm xuống biển Java rạng sáng qua, phi công đã thông báo chiếc Boeing 737 MAX gặp vấn đề kỹ thuật sau lộ trình từ Denpasar đến Jakarta đêm 28/10. Các kỹ sư đã kiểm tra theo đúng quy trình và máy bay được cho là đủ điều kiện an toàn khi cất cánh.