Chiều 18/6, Viện Đại học Sydney Việt Nam, thuộc Đại học Sydney, Australia (SVI) ra mắt tại TP HCM. Viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, tập hợp lực lượng nhà khoa học thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng thực tế tại TP HCM và Việt Nam. Mô hình SVI được phát triển từ Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, chuyên triển khai các nghiên cứu bệnh hô hấp tại Việt Nam như lao, phổi tắc nghẽn mãn tính... Văn phòng của SVI sẽ đặt tại Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ. "Chúng tôi mong muốn đây là trung tâm kết nối các đơn vị nghiên cứu tạo ra nhiều kiến thức mới cho toàn cầu", GS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc điều hành Viện Đại học Sydney Việt Nam nói.
Chia sẻ với VnExpress, GS Nguyễn Thu Anh cho biết mô hình Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock chỉ thực hiện các nghiên cứu về bệnh hô hấp. Với sự ra đời của Viện Đại học Sydney Việt Nam, các nhà khoa học sẽ mở rộng sang các nghiên cứu khác về chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, phát triển bền vững, văn hóa nghệ thuật... đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế và cải thiện đời sống người dân.
Hướng nghiên cứu chính của SVI thời gian tới hướng tới các đề tài ứng dụng công nghệ cho các sản phẩm sạch phục vụ xuất khẩu, sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Viện cũng tập trung các nghiên cứu liên quan giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) với các giải pháp sử dụng công nghệ thân thiện môi trường...
Theo GS Thu Anh, các nghiên cứu đưa giải pháp, khuyến cáo nhà quản lý, hoạch định chính sách, ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, SVI sẽ tập hợp các giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu của Australia cùng với nhà khoa học Việt Nam hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà khoa học trẻ giúp họ làm việc với các chuyên gia nước ngoài.
Sắp tới Viện Đại học Sydney Việt Nam triển khai thử nghiệm lâm sàng cho nghiên cứu vaccine mới phòng bệnh lao tại Việt Nam. Dự án này SVI sẽ phối hợp với các bệnh viện tại TP HCM trong thu nhận, khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân... Các nhà khoa học cũng đưa ra các hướng dẫn, phác đồ điều trị bệnh lao kháng đa thuốc như một phương pháp chữa bệnh mới không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực và toàn cầu.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam và Australia đã nghiên cứu bổ sung lớp phủ mía nhằm kích chuỗi thức ăn trong đất làm ức chế và tiêu diệt tuyến trùng. Tuyến trùng hại rễ trên cà phê là loại bệnh khá nguy hiểm, khiến cây chết hàng loạt. Nghiên cứu này giúp trị bệnh cho cây cà phê với phương pháp kiểm soát sinh học an toàn, không sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường.
Để có kinh phí tài trợ các đề tài, SVI sẽ huy động từ các quỹ nghiên cứu khoa học tại tại Australia, Mỹ, Canada và Việt Nam, cùng với doanh nghiệp thông qua các dự án nghiên cứu phát triển (R&D).
GS Emma Johnston, Phó hiệu trưởng Viện Đại học Sydney, cho biết đơn vị có bề dày hợp tác nhiều năm đối với các cơ quan nghiên cứu tại Việt Nam. Theo bà, việc thành lập Viện Đại học Sydney Việt Nam là cột mốc quan trọng trong quan hệ kết nối, hợp tác nghiên cứu của giới khoa học, doanh nghiệp hai nước. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ, đầu tư cho các dự án nghiên cứu và mong chờ các kết quả này giúp phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa... tại Việt Nam", GS Emma Johnston nói.
Thành lập năm 1850, Đại học Sydney là viện đại học đầu tiên của Australia, được coi là một trong tám viện đại học ưu tú của quốc gia này. Theo nhiều bảng xếp hạng, trường thuộc 40 trường và viện đại học đứng đầu trên thế giới về nghiên cứu và giảng dạy.
Hà An