Cả hai người đều đã tiêm chủng đầy đủ và không xuất hiện triệu chứng. Họ nằm trong 14 người từ khu vực Nam Phi trở về Sydney trên chuyến bay QR908 của hãng hàng không Qatar Airways. 12 người còn lại đang cách ly 14 ngày tại khách sạn được chỉ định.
Cơ quan Y tế New South Wales cho hay khoảng 260 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay này được cho là có tiếp xúc gần với hai ca nhiễm cũng sẽ phải cách ly 14 ngày, bất kể kết quả xét nghiệm ra sao.
Giới chức New South Wales đã thay đổi khuyến nghị dành cho du khách quốc tế tới Sydney như một biện pháp phòng ngừa biến chủng Omicron xâm nhập.
Theo đó, tất cả những ai đến bang này từ 9 quốc gia ở khu vực Nam Phi bị ảnh hưởng, gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia, Eswatini, Malawi và Seychelles, đều sẽ phải cách ly tại khách sạn 14 ngày, bất kể đã tiêm vaccine hay chưa.
Hành khách đến từ các quốc gia khác cũng được yêu cầu ngay lập tức đến nơi ở hoặc nơi lưu trú của họ và cách ly trong 72 giờ, chờ những khuyến nghị tiếp theo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn ngày 26/11, xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.
Nhiều khu vực trên thế giới đang chạy đua với thời gian khống chế biến chủng Omicron lan rộng bằng các biện pháp siết xuất nhập cảnh và cách ly, xét nghiệm người về từ châu Phi.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.
Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee cho rằng biến chủng mới gây triệu chứng nhẹ và chưa được phát hiện ở người đã tiêm chủng ở Nam Phi. Phần lớn ca nhiễm được theo dõi thời gian qua là người trẻ, dưới 40 tuổi.
Vũ Hoàng (Theo ABC News)