Nhà máy điện Liddell, cách Sydney khoảng ba giờ lái xe về phía bắc, là một trong hàng loạt nhà máy điện than lâu đời dự kiến đóng cửa trong những năm tới. Được xây từ năm 1971, Liddell cung cấp khoảng 10% điện năng tiêu thụ ở New South Wales, bang đông dân nhất Australia.
Suốt nhiều thập kỷ, than đá cung cấp phần lớn điện của Australia. Tuy nhiên, những nhà máy điện như Liddell đang trở nên cổ lỗ và không đáng tin cậy, theo chuyên gia năng lượng tái tạo Mark Diesendorf tại Đại học New South Wales. Chúng không chỉ kém hiệu quả, gây ô nhiễm cao, sửa chữa tốn kém mà việc tiếp tục hoạt động cũng sẽ khiến Australia gần như không thể đạt được các mục tiêu khí hậu.
Australia từ lâu đã là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ nước này năm ngoái đã cam kết 82% điện năng của đất nước sẽ đến từ những nguồn tái tạo vào năm 2030. Điều này đòi hỏi một cuộc cải tổ mạnh mẽ, vì trong khi những nước dẫn đầu như Na Uy sản xuất hơn 90% năng lượng từ các nguồn tái tạo, Australia chỉ đạt khoảng 30%.
Dưới áp lực ngày càng tăng của công chúng về việc xử lý khủng hoảng khí hậu, nhiều công ty nhiên liệu hóa thạch Australia muốn đóng cửa các nhà máy điện than cũ hơn là duy trì hoạt động. Nhà máy Eraring ở New South Wales, cơ sở sản xuất điện than lớn nhất Australia, dự kiến đóng cửa năm 2025 và một số nhà máy nữa sẽ tiếp bước trong thập kỷ tới.
Chuyên gia tài chính khí hậu Tim Buckley cho biết, những lần đóng cửa này sẽ kiểm tra xem năng lượng tái tạo đã sẵn sàng lấp đầy khoảng trống hay chưa. Theo Buckley, Australia có các yếu tố tự nhiên để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với ánh nắng mặt trời dồi dào, những bờ biển nhiều gió và dân cư thưa thớt.
Khó khăn ở đây là tìm ra cách lưu trữ năng lượng tái tạo và vận chuyển qua khoảng cách rộng lớn giữa các thị trấn và thành phố của Australia. Kể cả khi việc này diễn ra thuận lợi, Australia vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thu Thảo (Theo AFP)