"Tôi muốn nhấn mạnh chúng tôi ra quyết định không dễ dàng. Iraq là bên phải đánh bại giáo phái chết chóc đó (Nhà nước Hồi giáo, IS) nhưng chúng tôi không muốn để mặc họ", AFP dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott phát biểu trước báo giới. "Chúng tôi là những người yêu hòa bình muốn tránh xa xung đột. Tuy nhiên, cuộc xung đột đã tiếp cận chúng tôi trong nhiều tháng nay".
Canberra năm ngoái cam kết điều lực lượng 600 người, gồm 400 lính không quân và 200 binh sĩ đặc nhiệm, hỗ trợ Baghdad chiến đấu với IS. Hiện khoảng 170 binh sĩ Australia đã đến giúp huấn luyện quân đội chính phủ Iraq.
Thủ tướng Abbott cho biết quyết định điều động dựa trên đề nghị chính thức từ chính quyền Iraq và Mỹ, và sứ mệnh dự kiến kéo dài hai năm. Động thái này diễn ra sau khi New Zealand tuần trước điều khoảng 140 binh sĩ tới Iraq trong một nhiệm vụ không chiến đấu để giúp tăng cường khả năng của quân đội địa phương.
Binh sĩ Australia và New Zealand sẽ đóng quân tại căn cứ quân sự Taji, phía bắc Baghdad từ tháng 5.
Theo ông Abbott, hiện có khoảng 100 công dân Australia trong hàng ngũ IS cùng các nhóm khủng bố khác ở Iraq và Syria. "Có khoảng 150 kẻ ở Australia đang hỗ trợ cho những phần tử cực đoan. Do đó, cam kết của Canberra là vì an ninh quốc tế và hoàn toàn nằm trong lợi ích quốc gia".
Australia kể từ tháng 8/2014 đã phối hợp cùng quân đội Mỹ trong các chiến dịch không kích IS ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, Canberra chỉ tham gia hỗ trợ trên không, huấn luyện, cố vấn và tình báo.
Trong diễn biến liên quan, khoảng 30.000 binh sĩ Iraq và lực lượng dân quân hôm qua tấn công các mục tiêu IS trong và xung quanh Tikrit, một trong những thành trì chính của nhóm phiến quân, nhằm tái chiếm nơi này. Đây là chiến dịch lớn nhất kể từ khi IS chiếm nhiều phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq.
Như Tâm