"Chúng ta đồng ý với quan điểm rằng nước lớn không nên 'ỷ mạnh hiếp yếu', nhưng dường như có sự thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động của Trung Quốc", Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg hôm nay nói với các phóng viên.
Frydenberg đưa ra tuyên bố này khi nhận xét về bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra theo hình thức trực tuyến hôm 25/1 ở Davos, Thụy Sĩ. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng quan hệ giữa các nước nên điều chỉnh bằng quy tắc và thể chế, chứ không phải quyền lực.
"Kẻ mạnh không nên bắt nạt kẻ yếu. Quyết định không nên được đưa ra chỉ bằng cách phô diễn sức mạnh cơ bắp hay nắm đấm", ông Tập nói, kêu gọi các quốc gia nên tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau, không cố áp đặt ý chí của mình lên quốc gia nhỏ hơn.
Bộ trưởng Tài chính Australia cho rằng lời nói của ông Tập không phù hợp với những hành vi "chèn ép kinh tế" mà Trung Quốc áp đặt lên Australia. "Thực tế là Australia đang bị đối xử bất công trong một số vấn đề thương mại", ông nói.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra "rơi tự do" suốt năm qua, khi hai bên liên tục khẩu chiến về các vấn đề nguồn gốc Covid-19, kinh tế và thương mại.
Trung Quốc đã đánh thuế nhập khẩu hàng tỷ USD với hơn 10 sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Australia, bao gồm lúa mạch, thịt bò, than đá, đồng, gỗ và rượu. Bắc Kinh cũng công bố hồ sơ nêu 14 sự việc "đầu độc" mối quan hệ hai nước, trong đó có việc Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 và cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Hồng Hạnh (Theo AFP)