Gambia, quốc gia ở Tây Phi với chủ yếu dân số theo đạo Hồi, dưới sự ủng hộ của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia, tháng trước đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, cáo buộc Myanmar tội diệt chủng, giết người hàng loạt và hãm hiếp, liên quan đến người Hồi giáo sống ở bang Rakhine, phía bắc Myanmar.
Đây là khu vực sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc thiểu số Rohingya, bị cáo buộc là một trong những dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhiều nhất trong các dân tộc thiểu số trên thế giới.
Văn phòng Cố vấn nhà nước Suu Kyi cho biết bà sẽ đến The Hague dự phiên điều trần đầu tiên vào 10/12, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Myo Nyunt, phát ngôn viên cấp cao đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi cho hay, bà cần phải giải thích cho cộng đồng quốc tế "về những gì thực sự diễn ra ở phía bắc Rakhine".
Quyết định tham dự phiên tòa ở The Hague của bà Suu Kyi gây bất ngờ, thậm chí có ý kiến cho rằng nó có thể làm xấu đi hình ảnh của bà, theo hai người được tiếp cận các cuộc thảo luận. Nhưng tại Myanmar, một làn sóng ủng hộ Suu Kyi đã diễn ra.
"Bà ấy nhiều khả năng cảm thấy phải làm tất cả để có thể bảo vệ lợi ích quốc gia, trong khi hầu hết người Myanmar nghĩ rằng các cáo buộc của Gambia là thiên vị và mang động cơ chính trị", Richard Hosey, cố vấn Nhóm khủng hoảng quốc tế tại Myanmar, nói.
Suu Kyi, người từng được giải Nobel Hòa bình, được xem là nữ anh hùng trong lòng nhiều người Myanmar khi bà có chuyến đi đến Tây Âu và Mỹ sau khi nhậm chức năm 2016. Tuy nhiên, bà vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phương Tây vì cuộc xung đột sắc tộc xảy ra với người Rohingya.
Một cuộc tấn công của lực lượng an ninh Myanmar và các tín đồ Phật giáo diễn ra ở bang Rakhine vào tháng 8/2017 khiến hơn 730.000 người Rohingya phải tràn sang nước láng giềng Bangladesh, tạo thành một trại tị nạn lớn nhất thế giới. Nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc gọi cuộc tị nạn kỷ lục của người Rohingya là kết quả của một chiến dịch quân sự được thực hiện với mục đích diệt chủng nhắm vào người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar.
Giới chức Myanmar kịch liệt phản đối kết luận, khẳng định hoạt động của quân đội là phản ứng hợp pháp đối với các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya từng khiến 13 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng. Tháng 9/2017, Suu Kyi tuyên bố những kẻ khủng bố đứng sau vụ bạo lực và tung thông tin sai lệch.
Mai Lâm (Theo Reuters)