Bảo tàng Australia thông báo, lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được ấu trùng của cá mặt trăng phương nam (Mola alexandrine), IFL Science hôm 22/7 đưa tin. Đây là một trong ba loài cá mặt trăng sống ở biển Australia. Chúng có thể dài tới hơn 3 m và nặng hơn 2 tấn, tương đương cá mặt trăng đại dương (Mola mola). Cá mặt trăng phương nam đôi khi tắm nắng bằng cách nằm nghiêng gần mặt nước. Hành vi này giúp sưởi ấm, đồng thời thu hút mòng biển tới loại bỏ động vật ký sinh trên cơ thể chúng.
Cá mặt trăng cái giữ kỷ lục về sinh sản trong nhóm động vật có xương sống. Cá mặt trăng đại dương trưởng thành chứa tới 300 triệu trứng. Các nhà khoa học bối rối vì với số lượng trứng lớn như vậy, họ chưa từng phát hiện trứng ngoài tự nhiên, số lần bắt gặp ấu trùng cũng vô cùng ít ỏi.
Tiến sĩ Marianne Nyegaard tại Bảo tàng Chiến tranh Auckland quyết định xem xét các mẫu vật được bảo quản tại bảo tàng thay vì cố gắng tìm ấu trùng cá mặt trăng phương nam ngoài đại dương. Ông làm việc cùng hai nhà khoa học từ Bảo tàng Australia, Kerryn Parkinson và Andrew King, để tìm kiếm những ấu trùng tiềm năng. Ấu trùng cá mặt trăng rất khác với dạng trưởng thành nên việc xác định loài không hề đơn giản.
Cuối cùng, nhóm chuyên gia tập trung vào một mẫu vật thu thập từ bờ biển New South Wales năm 2017. Việc tiến hành phân tích ADN trên mẫu vật chỉ dài khoảng 5 mm vô cùng phức tạp. Để tối thiểu hóa tổn thương cho mẫu vật, Parkinson cẩn thận tách lấy một nhãn cầu. Sau đó, King tiến hành phân tích ADN. Kết quả cho thấy mẫu vật này chính là ấu trùng của cá mặt trăng phương nam.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện mới giúp xác định thêm nhiều ấu trùng cá mặt trăng khác trong kho lưu trữ của bảo tàng, mang lại thêm thông tin về vòng đời của những sinh vật biển khổng lồ này.
Thu Thảo (Theo IFL Science)