Chào Nguyễn!
Em và nhiều người khác cùng trải lòng trên trang tâm sự, cùng chia sẻ, động viên, an ủi cho nhau bằng tuổi thơ không mấy hồn nhiên của mình, tôi xin được gộp những mảnh đời đó vào một thế giới riêng, thế giới của những con người sống nội tâm. Rồi bất chợt tôi lại cảm thấy mủi lòng vì trong thế giới đó có quá khứ của tôi.
Ba mất khi tôi vừa tròn 5 tuổi, thời chiến tranh loạn lạc mẹ phải dẫn tôi nay đây mai đó cùng với 2 người chị của tôi đang bước vào tuổi cặp kê để tránh bớt những rủi ro trong cuộc đời. Bà trở thành góa phụ khi tuổi chưa đầy 40.
Bom đạn giày xéo trên quê hương tôi ngày càng khốc liệt, bà lo sợ cho tính mạng của mấy chị em tôi nhiều hơn nên đành cắn răng mà đưa chúng tôi lên Sài Gòn để ở đợ cho nhà giàu, cái công việc mà bây giờ người ta dùng từ nhẹ nhàng hơn là người giúp việc. Gặp người tốt bụng nên 2 chị dẫn tôi theo cùng.
Vì là con trai duy nhất của ba để lại nên mọi người cố dạy dỗ tôi nên người nhưng cách dạy thì tôi có cảm giác mình sống trong địa ngục hơn là tuổi hồng. Ăn cơm chậm, bị đòn; mê vẽ tranh xao lãng việc học, bị đòn; không ngủ trưa, bị đòn; hàng tháng xếp dưới hạng 10, bị đòn.
Nói chung đòn roi đối với tôi là chuyện cơm bữa, đến nỗi ông bà chủ nhà cũng phải xin tội cho tôi bớt đòn. Đó là chuyện tôi sống với chị ở Sài Gòn, nhưng tôi vẫn rất thương chị vì tôi nhận thấy mỗi lần đánh đòn tôi chị lại khóc. Có lẽ chị khóc vì giọt máu ba tôi để lại đang phải chịu đòn, vì chị sợ không hoàn thành tâm niệm là phải dạy dỗ tôi thành người.
Chiến tranh kết thúc, gia đình tôi sum họp lại ở quê, hai chị tôi lấy chồng nhưng do gia cảnh nên vẫn còn quanh quẩn gần đó và nhờ vào sự đùm bọc của mẹ tôi. Nhà cửa không khá giả gì lại phải đối đầu với nạn đói liên tiếp do thất mùa trong những năm đầu sau giải phóng, vai mẹ tôi oằn gánh. Bà quần quật suốt ngày ngoài đồng, dầm mưa đội nắng ngày đêm trên chiếc xuồng nhỏ mua bán kiếm lời, thân hình tiều tụy, khô dần. Bà trở nên độc đoán và gia trưởng.
Trong thâm tâm bà muốn tôi phải đạt được nghề nghiệp gì đó bằng con đường học vấn, cho nên bà khép tôi vào một khuôn mẫu của chị tôi mấy năm trước. Thời đó đi học chỉ có một buổi sáng, cả buổi chiều về chăn bò và cắt cỏ dự trữ hoặc cùng ra đồng nhổ cỏ cuốc đất, làm dần công cùng lối xóm. Nói chung tôi cũng làm tất tần tật, tuy không bằng ai bởi dáng vẻ khá thư sinh của mình.
Vậy mà tôi vẫn hay nhận những câu chửi mắng của mẹ và nó in sâu vào tâm trí tới bây giờ, đại loại là “ngu như mày sau này hốt đất mà ăn”, “làm lụng cực khổ nuôi nó mà không biết có nên thân nên hình gì không?", và những vết roi cứ đều đặn in vào mông mỗi khi tôi có lỗi gì đó.
Nhiều lần tôi buồn, bước ra sau vườn nhìn những tàu lá dừa đong đưa trước làn gió nhẹ. Những con chim sâu nhảy nhót tìm mồi một cách thong thả, những con còng gió đủ màu sắc nhởn nhơ ăn mồi trước miệng hang. Tôi ao ước mình được tự do tự tại như vậy, để được làm những gì mình muốn. Rồi tôi lại muốn chết đi để thoát khỏi không khí ảm đạm khi bước vào nhà, để không ai có áp lực gì với tôi và cũng để cho mẹ và chị tôi biết rằng họ làm vậy là quá đáng.
Tôi bắt đầu khép mình vào thế giới riêng nhưng lại thèm được cùng ai bầu bạn. Tôi mơ tưởng đến một tương lai màu hồng rực rỡ nhưng lại lo sợ cho cái hiện thực lực bất tòng tâm. Tôi muốn thoát khỏi cái không gian như địa ngục nhưng không đủ can đảm để bước đi. Tôi tự mâu thuẫn với mình, và rồi tôi chợt nhận ra con đường để giải thoát, đó là học.
Thế nhưng phần số đen đủi vẫn bám lấy mình, khi tôi vào trọ trong một cơ quan ở huyện năm lớp 11, bác trưởng phòng xếp cho tôi vào căn phòng trống bỏ không nhiều tháng, bụi và mạng nhện dày đặc. Đó là căn phòng của bà phó phòng, bằng tuổi mẹ tôi. Bà ấy đột ngột trở về và đuổi tôi đi với lý do nam không được ở phòng nữ.
Thấy tôi tội nghiệp chị nhân viên trong cơ quan đó dẫn tôi về nhà chị ở và để trông chừng luôn một mẫu vườn trái cây. Được vài tháng chị lại bảo tôi tìm nơi khác vì lý do tôi thức khuya quá, tập vở sột soạt chị không ngủ được. Lúc đó không có điện, chỉ dùng đèn dầu và mọi thứ đều là của tôi. Tôi lăy lắt như kẻ lang thang cho đến ngày thi tốt nghiệp phổ thông, nhưng mẹ tôi gần như không hề biết. Tôi cố giấu, cắn răng chịu đựng, nhưng mỗi một lần bị bạc đãi thì tôi lại khóc thầm, nước mắt cứ rơi vào sách vào vở.
Vào đại học những năm tháng còn bao cấp và nghèo, mẹ tôi thân cò lặn lội, tiếp tục bươn chải để kiếm thêm đồng lời vừa nuôi tôi vừa gồng gánh thêm đàn cháu ngoại. Tôi như con sáo sổ lồng nhưng lại rất thương mẹ mỗi khi nhận được vài đồng tiền ít ỏi bà gửi lên. Tôi nhìn ra thế giới bên ngoài càng bao la rộng lớn bao nhiêu thì từ sâu thẳm tâm hồn tôi càng thương mẹ bấy nhiêu.
Nguyễn à! Hổ dữ còn không ăn thịt con huống chi chúng ta là con người và do cha mẹ ta sinh ra. Không có cha mẹ nào sinh con ra để hành hạ, dầy xéo, nhục mạ con mình. Từ nơi đáy tim họ thương con nhiều lắm chứ, nhưng do hoàn cảnh xã hội và gia đình, do trình độ nhận thức mà họ hành xử không hợp lý. Họ nghĩ rằng đem những việc xấu của con mình ra nói ra cho mọi người biết là để nó tự sửa đổi, không tái phạm nữa, nhưng họ không hiểu rằng như vậy là xúc phạm lòng tự trọng của người khác, dù đó là con mình.
Họ nghĩ rằng là con cái thì cha mẹ muốn nói gì làm gì cũng được vì họ sinh ra nó, nuôi nó thì họ có quyền mọi thứ và vì tuổi thơ họ từng như vậy. Nếu như cha mẹ ta là những người trí thức, học cao biết rộng thì có thể ta cũng không biết đến “thế giới nội tâm” này là gì và đôi khi bản thân ta cũng không nhận ra tình thương của cha mẹ dành cho ta sâu lắng trong tim họ.
Hôm nay tôi viết bài này để trải lòng cùng em, cũng là để xóa hết ký ức cũ bởi quá khứ ấy không cần phải lưu giữ vì tình mẫu tử. Sau này khi em bằng tuổi tôi hiện giờ và có một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống ổn định, em sẽ thấy mình bao dung hơn, sẽ thấy mình nực cười hơn khi nhớ lại những suy nghĩ thời ấy. Điều lạ là khi thấy mẹ thủ thỉ với đàn cháu nội, sợ cháu buồn, thậm chí còn phiền mình tại sao làm phật lòng cháu, thì mình lại cảm thấy hạnh phúc hơn gấp bội lần.
Em đừng bi quan, đừng chán nản nữa, cuộc đời con người luôn có hai giai đoạn đối lập nhau, sau cơn mưa thì trời lại sáng thôi em à. Chuyện tình duyên không hẳn lúc nào cũng theo đúng ý mình, hôn nhân hình như luôn có sự sắp đặt của số phận. Vì vậy cứ lạc quan yêu đời, đó chính là liều thuốc chữa vết thương lòng hữu hiệu nhất. Thân ái.
Hồng Đức