Nguồn tin trên cho biết sau khi việc mua bán thành công, AT&T có thể tách riêng các mảng kinh doanh của Vodafone tại các thị trường mới nổi, sau đó bán cho công ty khác như America Movil của tỷ phú Carlos Slim hay China Mobile. Dù hai hãng chưa đàm phán chính thức, AT&T vẫn đang lên kế hoạch tài sản nào tại Vodafone sẽ được giữ lại và đề ra chiến lược hoạt động cho Vodafone tại châu Âu, Bloomberg cho biết.
Nếu sáp nhập thành công, đây sẽ là hãng viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Trước đó, AT&T từng đề nghị Verizon Communications hợp tác. Theo đó, họ sẽ mua Vodafone tại châu Âu, Verizon tiếp quản liên doanh của hãng với Vodafone (Verizon Wireless) và America Movil lấy gần hết phần còn lại. Tuy nhiên, Verizon đã từ chối vì cho rằng việc này quá phức tạp và có thể làm chậm quá trình mua lại 45% cổ phần của Verizon Wireless từ tay Vodafone.
Sau kết hợp, Vodafone và AT&T sẽ là hãng viễn thông có thị trường khắp toàn cầu với giá trị vốn hóa trên 250 triệu USD. Với hơn 500 triệu thuê bao trên toàn thế giới, hãng sẽ có lợi thế hơn khi đàm phán hợp tác với Google, Apple, đồng thời tăng lợi nhuận trong các mảng mới như quảng cáo trên di động.
Tuy vậy, thương vụ này sẽ phải chờ sau khi Vodafone hoàn tất bán cổ phần trong Verizon Wireless, dự kiến vào đầu năm 2014. Sau đó, AT&T cũng có thể quyết định không tiếp tục thương vụ.
AT&T đang tìm cách mở rộng ra quốc tế khi cạnh tranh tại quê nhà đang rất khốc liệt. Verizon đang giành lại quyền kiểm soát toàn bộ mảng viễn thông của mình và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ 4G. Trong khi đó, tỷ phú Masayoshi Son (Nhật Bản) cũng đã gia nhập thị trường Mỹ khi mua nhà mạng lớn thứ ba nước này - Sprint Nextel. Ngoài Vodafone, AT&T cũng đang cân nhắc mua EE - liên doanh giữa hai nhà mạng Orange và Deutsche Telekom tại Anh.
Thùy Linh