Với kinh nghiệm nhà sản xuất bo mạch chủ và PC lâu năm, Asus hoàn thiện dải sản phẩm Expert bằng cách ra mắt ExpertCenter D5 và D7 vào tháng 11/2020. Bộ đôi này hướng đến việc tạo ra sản phẩm "bảo mật, tin cậy và sẵn sàng" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Chi phí ẩn khi sử dụng máy tính cũ
Những thách thức trong kinh doanh buộc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tối ưu mọi hoạt động, cắt giảm chi phí ẩn. Theo đại diện Asus, bên cạnh họp hành, quy trình không hiệu quả, chi phí ẩn của doanh nghiệp còn nằm ở việc sử dụng máy tính để bàn cũ.
Kết quả khảo sát do Intel ủy quyền, J.Gold Associates, LLC thực hiện năm 2018 trên 3.297 người từ các doanh nghiệp nhỏ tại 16 quốc gia trên thế giới đã chỉ ra, nhân viên mất đến 11 giờ mỗi năm để chờ máy tính khởi động. Cùng với đó, hiệu quả làm việc của nhân viên giảm đến 29%, doanh nghiệp sẽ tốn đến 17.000 USD mỗi năm khi sử dụng một chiếc máy tính cá nhân trên 5 năm.
Trong khi đó, nghiên cứu "Thực hiện sự thay đổi" (Make the Shift) do Techaisle, Microsoft và Intel thực hiện trên 2.156 doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 8/2018 cũng cho thấy, chi phí doanh nghiệp SMB có thể cần để duy trì một máy tính sau 4 năm sử dụng là 2.736 USD.
Cũng theo nghiên cứu này, những chiếc máy tính cũ cần được sửa chữa nhiều hơn bình thường 2,7 lần, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất làm việc. Theo Microsoft, hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 85% các doanh nghiệp cỡ vừa với hơn 500 nhân viên, vẫn sử dụng các thiết bị trên 4 năm tuổi. Con số này ở những doanh nghiệp cỡ nhỏ hơn với số lượng nhân viên ít hơn 100 người là 60%.
Theo đại diện Asus, máy tính là một mắt xích quan trọng trong hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Chiếc máy tính với tốc độ hoạt động chậm sẽ là "điểm nghẽn", làm giảm hiệu suất làm việc của công ty.
Ông Anurag Agrawal - CEO và chuyên gia Techaisle phân tích, ứng dụng không tương thích với hệ điều hành mới và ngân sách giới hạn là những rào cản cho doanh nghiệp khi nâng cấp thiết bị mới. Nhiều chủ doanh nghiệp chú trọng vào chi phí ngắn hạn nhưng không biết rằng điều này có thể khiến họ tốn nhiều chi phí hơn trong tương lai.
Đại diện Asus đánh giá, dòng tiền chính là chìa khóa cho sự tồn tại của SMB. Nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các nhà cung ứng thiết bị công nghệ, trong đó có Asus, đã cải tiến các dòng máy tính để bàn, ra mắt hàng loạt sản phẩm chuyên nghiệp nhằm tăng hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí, mang đến giải pháp quản lý dữ liệu và bảo mật hiệu quả cho việc kinh doanh.
"Mục tiêu của chúng tôi là giúp SMB tối đa hóa hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo nguồn vốn cho sự phát triển của công ty trong tương lai, để mỗi đồng tiền trong ngân sách được chi tiêu khôn ngoan hơn", đại diện Asus chia sẻ.
Cùng với đó, Asus đảm bảo hệ thống máy tính của hãng sẽ có đủ sức mạng để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai của doanh nghiệp.
Giải pháp từ Asus
Để hiện thực hóa mục tiêu giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, những năm gần đây Asus đã phát triển nhiều dòng máy chuyên nghiệp, mang đến giải pháp quản lý dữ liệu và bảo mật hiệu quả, nâng cao hiệu suất làm việc, đáp ứng tiêu chí về độ bền cao, hiệu năng mạnh, tiết kiệm chi phí...
Tiếp nối mẫu máy bàn ExpertCenter D5 ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 11/2020, Asus tiếp tục trình làng ExpertCenter D7 vào giữa tháng 3, với nhiều nâng cấp, đảm bảo tiêu chí "đúng sản phẩm, đúng việc".
Nếu Asus ExpertCenter D5 Mini Tower được định vị là "thửa riêng công việc bàn giấy", thì ExpertCenter D7 Tower lại là dòng sản phẩm hiệu năng cao cho phòng ban sáng tạo. Điểm chung ở tất cả máy bộ Asus ExpertCenter là đều trang bị sẵn ổ cứng tốc độ cao SSD NVMe, bus RAM lên đến 3.200 Mhz và CPU Intel thế hệ 10, cung cấp sức mạnh cho mọi tác vụ, tạo ưu thế về hiệu năng.
Trong bối cảnh thiếu hụt chip trên toàn cầu, giá thành linh kiện tăng cao, nhiều doanh nghiệp SMB gặp khó khăn khi mua máy tính mới trong lĩnh vực đồ họa, sáng tạo nội dung. Do đó, Asus trang bị card đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 1660 Super, Quadro P2200, CPU Intel Core i7 trên dòng ExpertCenter D7, cho hiệu năng cao khi dựng video, mô hình 3D hoặc thiết kế đồ họa. Theo Asus, máy đạt chứng nhận ISV, đảm bảo tương thích, hiệu suất tối ưu và ổn định với các hãng phần mềm Adobe, AutoDesk.
Để linh hoạt cho doanh nghiệp, bên cạnh ExpertCenter dạng Tower truyền thống, Asus còn có thêm lựa chọn kích thước Mini Tower và SFF với định dạng nhỏ. Người dùng có thể dễ dàng đặt máy dưới gầm hoặc để trên bàn. Theo Asus, kích thước tùy chọn của dòng ExpertCenter còn hữu dụng trong thời Covid-19, khi cần bố trí giãn cách không gian để phòng chống lây nhiễm.
Asus ExpertCenter còn có khả năng nâng cấp linh hoạt. Với ExpertCenter D7, Asus hỗ trợ nâng cấp lên đến 4 khe RAM và 4 ổ cứng (2 M2 PCIe, 1 Sata 3.5 inch và 1 Sata 2.5 inch). Thiết kế tool-free tháo lắp không cần dụng cụ giúp tiết kiệm công sức và thời gian cho chuyên viên IT khi muốn bảo dưỡng, nâng cấp.
Theo Asus, tất cả sản phẩm đều đạt chứng nhận độ bền quân đội Mỹ MIL-STD 810G, đảm bảo hoạt động bền bỉ trong mọi điều kiện sử dụng. Các dòng máy bộ Asus đều tích hợp kết nối không dây Wifi 6, Bluetotoh 5.0, mang đến trải nghiệm tương tự laptop Asus ExpertBook hay máy tính đa năng Asus AiO, vốn nổi tiếng về tính tiện lợi trong kết nối.
Dịch vụ bảo hành chuyên nghiệp cũng là điểm nhấn trên dòng máy bộ của Asus. Hãng mang đến dịch vụ bảo hành tận nơi, giữ lại ổ cứng bị lỗi tránh thất thoát dữ liệu quan trọng, gia hạn bảo hành lên đến 5 năm.
Đại diện Asus đánh giá, Covid-19 tác động lên nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Để giải bài toán chi phí cho doanh nghiệp, Asus mang đến mức giá hợp lý, từ 8,99 triệu đồng đối với sản phẩm ExpertCenter D5 Mini Tower phù hợp tác vụ văn phòng và từ 17,49 triệu đồng với mẫu ExpertCenter D7 Tower hiệu năng cao.
Đại diện Asus cho biết: "Thông qua dòng sản phẩm Asus ExpertCenter chuyên biệt, chúng tôi muốn đồng hành, góp phần tìm lời giải cho các yếu tố hiệu suất làm việc, linh hoạt, tiết kiệm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Hà Thanh (Ảnh: Asus)