Tính cách của Ashleigh Barty phần nào bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Cô sống ở ngoại ô Brisbane - nơi có những khu rừng bạch đàn, những ngôi nhà gạch lớn và phố xá không quá đông đúc. Tiếng la hét, nô đùa của những đứa trẻ nhỏ dọc lối đi bộ có lẽ là âm thanh duy nhất trong khung cảnh ngoại ô yên tĩnh, thanh bình. Springfield, nằm ở phía tây nam của Brisbane, là thành phố tư nhân đầu tiên của Australia, và là nơi có quy hoạch cộng đồng lớn nhất của quốc gia này.
Cha của Barty, ông Robert, làm việc trong chính phủ và là một người Australia bản địa (người Ngaragu), trong khi mẹ cô, bà Josie, là một bác sĩ X-quang và là con gái của người nhập cư Anh. Ông Robert là một nhà vô địch golf nghiệp dư trong thập niên 80. Nhà Barty là một ví dụ cho các gia đình hiện đại ở Australia - nơi các hoạt động thể thao của trẻ em là trung tâm của cuộc sống gia đình. Nhiều người trong nhà đã thấy năng khiếu thể thao từ cô con gái nhỏ Ashleigh Barty.
Hồi 4 tuổi, Barty tìm thấy một cây vợt cũ và bắt đầu đập bóng vào tường nhà để xe, rồi tự chơi trong nhiều giờ. Cha cô đã gọi cho Jim Joyce, một HLV địa phương tại trung tâm quần vợt Tây Brisbane về trường hợp của con gái. "Jim Joyce nói ‘thông thường chúng tôi không nhận học viên chưa đủ tám tuổi", ông Robert nhớ lại. "Khi chúng tôi đi xuống sân tập, HLV Joyce ném cho Ashleigh một quả bóng và cô bé đánh trả qua đầu vị HLV. Ashleigh lặp lại điều đó ở những cú đánh kế tiếp, cho đến khi ông Joyce nói rằng con bé có thể quay lại vào tuần sau".
Trung tâm quần vợt Tây Brisbane như một ốc đảo giữa khu công nghiệp rộng lớn, với những chiếc tàu chở dầu và xe tải di chuyển nhộn nhịp phía ngoài. Tại cánh cổng trung tâm, có một tấm biển ghi rõ "Mở cửa bảy ngày trong tuần". HLV Joyce luôn có mặt trên sân tập, kiên nhẫn huấn luyện những đứa trẻ đội mũ lưỡi trai tránh nắng năng động. Thời thơ ấu của Barty gắn liền với những tháng ngày luyện tập và chơi đùa với trái bóng tennis, trên những sân tập được che nắng phần nào nhờ một nhà kho rộng lớn và những cây cọ xòe tán rộng. Barty nhỏ tuổi hơn bạn bè đồng môn, nên ông Joyce đã nghĩ ra những bài tập rất đa dạng và sáng tạo để cô bé có thể theo kịp, bên cạnh việc trau dồi kỹ thuật – điều không thể thiếu để tạo nên một Ashleigh Barty với quả cú toàn diện như hiện nay.
"Sự tập trung và tiến bộ của Ashleigh thật đáng kinh ngạc", ông Joyce nhớ lại. "Khi lên chín, cô bé đã có thể đấu ngang ngửa với những cậu bé 15 tuổi và khi lên 15, Barty có thể hạ những tay vợt chuyên nghiệp".
Trong suốt quá trình huấn luyện một học viên có kỹ năng tốt như Barty, ông Joyce cũng cung cấp cho cô bé những nền tảng kiến thức khác mà một người trưởng thành nên có. "HLV Jim Joyce đánh giá con người qua bốn tiêu chí: tốt bụng, vui vẻ, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác", người cha Robert của Barty chia sẻ. "Nếu bạn có đủ các tiêu chí trên và chơi tennis giỏi, thì đó là một điểm cộng".
Khi con gái giành chiến thắng ở các giải đấu và có được hàng loạt danh hiệu, ông Robert và bà Josie tôn vinh HLV Joyce theo cách riêng của họ. "Thành tích của Barty rất đáng được ngợi khen, nhưng điều chúng tôi tự hào nhất là cách nó kiểm soát bản thân, khi thi đấu cũng như trong cuộc sống", ông Robert nói thêm. "Cách mà Ash đối xử với gia đình, bạn bè, ban huấn luyện và những người xung quanh cũng cho thấy con gái chúng tôi là một cô gái tuyệt vời".
Cựu vô địch ATP Tour và Bình luận viên thể thao của kênh Channel Nine, Todd Woodbridge gặp Barty lần đầu tiên khi cô đang tập huấn trong chương trình phát triển của quần vợt Australia. "Cô bé được chúng tôi phát hiện khi tầm 11-12 tuổi", Todd nói. "Chúng tôi thấy một cô bé với khả năng sử dụng cú quả linh hoạt và sáng tạo khi thi đấu. Mọi cú đánh của cô bé này đều có mục đích. Barty có trực giác của một tay vợt khôn ngoan. Cô ấy luôn có thứ mà dân trong nghề chúng tôi gọi là tính mềm dẻo. Tài năng của Barty đã được cha mẹ cô xử lý gần như hoàn hảo. Họ hỗ trợ và hướng dẫn Barty, đồng thời giúp cô ấy tránh xa áp lực nhiều nhất có thể".
Giống bất kỳ VĐV ưu tú nào, Barty đã hy sinh thời thơ ấu để luyện tập, không ngừng đánh bóng qua lưới hàng nghìn giờ để trở thành một tay vợt giỏi với bộ kỹ năng toàn diện. Năm 14 tuổi, cô được cho cọ xát ở các giải đấu quốc tế. Barty ít khi bị đánh bại bởi các đối thủ, nhưng gục ngã bởi nỗi cô đơn và nhớ nhà. Cô gái Australia liên tục gọi điện thoại từ châu Âu về nhà trong nước mắt. Một năm cô ở nhà chỉ vỏn vẹn 27 ngày. Barty còn quá trẻ để xa gia đình.
Năm 15 tuổi, Barty vô địch giải trẻ Wimbledon. Dư luận đổ dồn vào Barty. Cô trở về nhà và đối mặt với những sự quan tâm và thổi phồng quá mức. "Thật điên rồ", các chị của Barty nói về đám đông người hâm mộ hiếu kỳ chờ đón cô em ở sân bay. Đó không phải điều Barty mong đợi.
Barty vẫn vô địch những giải trẻ sau đó, nhưng cảm xúc khi chiến thắng và áp đảo đối thủ dần giảm đi. Cô lạc lối trong sự nổi tiếng và vòng xoáy truyền thông điên cuồng, với đầy rẫy áp lực và kỳ vọng. Chuyển đến Melbourne, Barty tiếp tục tập luyện tennis thêm một năm, trước khi rơi vào trạng thái trầm cảm và không muốn tiếp tục gắn bó với môn thể thao này. "Mọi thứ thường bắt nguồn từ chuyện thắng – thua", Tood Woodbridge chia sẻ. "Khi bạn thua cuộc, khả năng của bạn sẽ bị đem ra bàn tán và điều đó thực sự trở thành thách thức đối với một tay vợt trẻ chưa đến tuổi đôi mươi. Bạn sẽ nghĩ rằng bản thân đang thất bại và lo lắng quá mức cho tương lai".
Chị em trong nhà kể, Barty là kiểu người nội tâm và không phù hợp với những áp lực kiểu đó. Cô muốn rút lui khỏi ánh sáng truyền thông. Cố vấn tinh thần và cũng là thần tượng của Barty, huyền thoại quần vợt Australia Evonne Goolagong Cawley nói với Barty rằng đó là một quyết định phù hợp và gợi ý cho cô đi câu cá. Barty nghe lời và coi đó như một sự giải thoát.
Khi thần đồng Australia quyết định rời xa tennis, không ai hiểu Barty hơn cha cô. "Khi con gái từ giã quần vợt, chúng tôi biết nó đang vật lộn với sự bế tắc của bản thân", ông Robert nhớ lại. "Nhưng chúng tôi không nhận ra rằng Ashleigh không thích sự nổi tiếng. Nó không muốn bị người khác chú ý. Mọi người động viên, ở bên Ashleigh và tôn trọng mọi quyết định của nó".
Robert cho biết ông cũng từng bị trầm cảm và những kinh nghiệm của ông đã phần nào giúp ích cho con gái. Barty uống thuốc trầm cảm trong hai năm và hỏi ý kiến bác sĩ trị liệu, đồng thời học cách cởi mở hơn với xã hội.
Trong thời gian đó, ông Andy Richards, HLV của đội cricket Brisbane Heat, nghe được tin Barty nói đùa về việc chuyển hướng sang môn cricket. Ông liền gọi cho cô gái 18 tuổi. "Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện bên ly cà phê, sau đó đi ném vài quả bóng", ông Richards nói. Con bé là một người chơi bowling rất cừ, khi ném gần như đổ hết trong 150 lượt ném. Barty có tố chất thể thao khác người. Con bé gia nhập đội cricket và hòa nhập rất nhanh".
"Barty đã thành thật và cởi mở về cuộc đấu tranh với sự bế tắc của bản thân", ông nói thêm. "Nó bị ám ảnh với việc tập luyện. Chúng tôi nói rằng con bé không cần đến và tập đánh bóng hàng ngày. Barty chia sẻ rằng nó chỉ muốn chơi một môn thể thao có sử dụng gậy. Có lẽ nó chưa quên hẳn tennis".
18 tháng với đội Brisbane Heat là thời gian chữa lành vết thương tinh thần cho Barty, mang đến cho cô cuộc sống đời thường dung dị. Barty đã làm được nhiều điều mà cô bỏ lỡ ở tuổi thiếu niên. Sau một trận đấu cricket, các cô gái sẽ đi uống bia - điều mà Barty chưa từng trải nghiệm trước đây. "Con bé đã tìm ra ý nghĩa của việc có bạn bè, có đồng đội ở cạnh", Richards nói tiếp. "Tôi từng mời nó đến một khu ổ chuột, nơi chúng tôi đã đi bộ vào ban đêm và bò qua bùn lầy. Tôi vẫn giữ đoạn phim ghi lại cảnh cổ con bé ngập sâu trong bùn, với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt".
Khi rảnh rỗi, Barty huấn luyện các học viên tennis cùng với HLV Joyce. Lúc đó, cô có kế hoạch mở một học viện quần vợt cho riêng bản thân. "Tôi nghĩ rằng con gái mình sẽ không bao giờ quay trở lại thi đấu tennis", ông Robert Barty chia sẻ. "Giai đoạn đó, chúng tôi không sống cùng nó thường xuyên. Tuy nhiên một ngày nọ, khi trở về nhà, chúng tôi thấy bốn hộp bóng tennis ở bậc cửa trước. Và đó là dấu hiệu cho thấy Ash của chúng tôi sẽ trở lại với tennis".
Barty sau đó nói rằng cô đã "bỏ lỡ những dòng chảy, những cảm xúc có được từ chiến thắng và thất bại".
"Những cảm xúc đó, chúng là duy nhất", tay vợt Australia chia sẻ. "Khi bạn đẩy bản thân đến những giới hạn của sự cố gắng, bạn có thể trở nên dễ bị tổn thương và làm những việc mà không ai nghĩ tới". Chuyển sang thi đấu cricket là một trong những điều như vậy.
Tiền bối Woodbridge tin rằng việc dành thời gian dừng lại để suy ngẫm và tìm lại bản ngã đã mang đến cho Barty thêm sự tự tin và kinh nghiệm cần thiết. Sự trở lại của cô góp phần làm phong phú thêm kho tàng những câu chuyện kỳ lạ trong thể thao. Quay lại thi đấu tennis vào tháng 6 năm 2016, Barty không ở trong top 600 WTA. Cô bắt đầu thi đấu lại ở các giải đấu nhỏ trên khắp thế giới, đổ mồ hôi giành lấy từng điểm số. Trong sáu tháng, Barty vươn lên thứ 325 thế giới.
Sự thăng tiến của cô sau đó thật sự đáng kinh ngạc. Barty đã hạ gục những tay vợt hạt giống và nổi tiếng trên thế giới. "Tôi vẫn nhớ rõ 12 tháng trước, khi Barty trở lại top 100", ông Robert kể lại. "Nó đã nhắn tin cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó nó được xếp hạt giống ở các giải đấu".
Mong ước của ông Robert đến sớm hơn dự kiến. Barty thăng tiến chóng mặt và trở thành niềm hy vọng số một của quần vợt Australia ở mọi giải đấu. Ở Australia Mở rộng đầu năm, Woodbridge bình luận trận đấu có mặt Barty ở vòng hai. Trận đó, Barty thắng dễ Qiang Wang 6-2, 6-3 và tên tuổi cô lại ngập tràn mặt báo. Bởi Woodbridge đã mô tả một điểm số của cô là "Federesque".
Tìm kiếm định nghĩa từ "Federesque" trên Internet cho kết quả, theo từ điển Urban, là: "Một thứ gì đó được thực hiện một cách phi thường và hoàn hảo, giống như bất cứ điều gì Roger Federer làm trong tennis". Thuật ngữ thanh cao này hiếm khi được sử dụng, bởi thứ tennis của Federer ở một chuẩn mực khác thường. Nhưng Woodbridge đã phá lệ, sử dụng nó theo cách mà không ai có thể phản đối.
Đó là pha bóng mà Barty dùng cú cắt sở trường để đẩy đối thủ về góc sân, trước khi tạo đà cho một pha xử lý trên lưới hoàn hảo. "Cú cắt bóng của Barty là hay nhất làng banh nỉ hiện nay", Woodbridge nhận xét về hậu bối. "Cô ấy là người hiếm hoi dùng cú cắt để tấn công".
Cú cắt sâu, xoáy và nặng gần như cú trái tay đã trở thành thương hiệu của Barty. Nhưng đó không phải điểm mạnh duy nhất của tay vợt Australia. Samantha Stosur, tay vợt đồng hương, thì nói rằng tư duy chơi bóng của Barty mới là điều đáng sợ nhất. Huyền thoại Jim Courier đánh giá cao khả năng giao bóng của tay vợt chỉ cao 1m66, còn các đối thủ thì lo lắng về phong cách điềm đạm và lỳ lợm mà họ không thường thấy ở một tay vợt nữ.
Hội tụ đủ mọi yếu tố để thành công, vinh quang rồi cũng đến với Barty ở tuổi 23. Chỉ ba năm sau khi trở lại sân đấu tennis, Barty đã giành chiến thắng ở giải Grand Slam đất nện Roland Garros. Và cũng chỉ hai tuần sau, niềm hy vọng Australia chiếm đỉnh bảng điểm WTA. Cô cũng là người Australia thứ hai đạt thành tích này, sau Evonne Goolagong Cawley cách đây 43 năm.
Kieran Gibbs, một điều phối viên thể thao tại Australia, thân với Barty từ khi cô chơi cricket. Kieran giờ vẫn làm việc với Barty với tư cách là một đại sứ quần vợt bản địa. "Cô ấy thực sự rất nhút nhát và ít nói", Kieran nói với Guardian. "Barty là một trong những người đơn giản nhất mà tôi từng biết. Một phần trong văn hóa của chúng tôi là sự tôn trọng dân tộc nói chung, tôn trọng người lớn tuổi và tôn trọng bản ngã. Bạn cần ghi nhớ bạn là ai và thể hiện điều đó mỗi ngày. Ash đang cho thế giới thấy người Australia chúng tôi có thể làm được những gì".
Grand Slam đầu tiên đã đến với Barty trên mặt sân đất nện sở đoản – một điều chính cô cũng không thể lường trước. Nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy Barty đã sẵn sàng bứt lên và thống trị làng quần vợt nữ, điều chưa ai làm được sau thời Serena Williams. Cũng giống Federer, lối đánh của Barty phù hợp nhất trên mặt sân cỏ và sân cứng. Wimbledon – giải Grand Slam sân cỏ khởi tranh tuần này - sẽ là thời cơ Ashleigh Barty chứng minh rằng cô xứng đáng là tay vợt nữ hay nhất thế giới hiện nay.
Nhân Đạt (theo Guardian)