![]() |
Cung Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, nơi sẽ diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: AFP |
Tổng thư ký Surin Pitsuwan của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công khai đưa ra đề xuất về đường dây nóng Biển Đông ngay trước ba ngày của hội nghị cấp cao ASEAN, cấp cao Đông Á (EAS) và các cuộc gặp cấp cao liên quan tại Campuchia.
"Chúng ta cảm nhận được sự cấp thiết rằng, nếu có bất cứ diễn biến nào xảy ra, chúng ta đều sẽ có thể trao đổi qua điện thoại để tìm cách tham vấn, tìm cách phối hợp, tìm cách kiềm chế bất cứ khả năng lan rộng đối với bất kỳ vụ việc, sự cố, tính toán sai lầm hay hiểu nhầm", AFP dẫn lời ông Surin.
Phát biểu của tổng thư ký ASEAN được đưa ra sau khi các bộ trưởng ngoại giao của khối này gặp gỡ tại Phnom Penh, để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao ASEAN thường niên sẽ khai mạc hôm nay.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều nhà lãnh đạo từ 6 quốc gia khác dự kiến sẽ cùng những lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN tham gia vào cấp cao EAS mở rộng vào ngày 19/11.
Giới phân tích cho rằng tranh chấp trên Biển Đông sẽ là chủ đề chính trong những cuộc gặp ở Campuchia, bên cạnh các chủ đề khác như thúc đẩy những chính sách về nhân quyền cũng như khai thông thương mại.
Tại Biển Đông, Trung Quốc cùng với các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Đây là vùng biển được cho là giàu tài nguyên và có nhiều tuyến đường biển quan trọng.
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã dẫn tới sự chia rẽ chưa từng có ở ASEAN trong năm nay. Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh hồi tháng 7 kết thúc mà không đưa ra được một tuyên bố chung, một sự kiện lần đầu xảy ra trong lịch sử 45 năm của khối này. Nguyên nhân là do những khác biệt trong cách giải quyết vấn đề Biển Đông.
Tổng thư ký Surin cho biết các thành viên ASEAN đã thu hẹp những khác biệt, đồng thời hướng tới việc đảm bảo rằng vấn đề Biển Đông không bị lãng quên trong những cuộc gặp cấp cao tại Campuchia. "Tôi không nghĩ rằng sẽ có những sự đối đầu hay tranh luận thái quá", ông Surin nói.
Sự xuất hiện của tổng thống Mỹ cũng giúp vấn đề Biển Đông được chú ý hơn. Ông Obama có thể sẽ tái khẳng định rằng Mỹ có lợi ích cơ bản trong việc duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông, trong khi khuyến khích ASEAN và Trung Quốc thống nhất được một bộ quy tắc ứng xử vơi vùng biển này.
Trung Quốc vốn không hài lòng với điều mà nước này coi là sự can thiệp của Mỹ tại Biển Đông, đồng thời tỏ ý không vui tại cấp cao Đông Á ở Indonesia hồi năm ngoái, khi ông Obama thành công trong việc đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo.
Nhật Nam