Hiện nay các nước trong khối ASEAN đang sử dụng 3 múi giờ khác nhau: UTC+ 6.5 (Myanmar), UTC+7 (ba nước Đông Dương, Thái Lan), UTC+8 (Malaysia, Singapore, Brunei, Philippines, Indonesia).
Indonesia vốn có 3 múi giờ 7, 8 và 9 áp dụng theo từng vùng nhưng từ 28/10/2012 đã dùng chung múi giờ 8. Singapore và tây Malaysia về mặt địa lý thuộc múi giờ 7 nhưng lại dùng múi 8 trùng với giờ Bắc Kinh. Chính quyền Sài Gòn từ 1/1/1960 áp dụng múi 8 (cho đến 4/1975) trong khi về mặt địa lý nước ta (bao gồm toàn bộ đất liền và phần lớn các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc múi giờ thứ 7.
Ý tưởng thiết lập múi giờ chung ASEAN, viết tắt là ACT (Asean Common Time) xuất hiện trong các cuộc họp của ASEAN lần đầu năm 1996 tại Jakarta, lần thứ hai năm 2004 ở Yogyakarta (Indonesia) và được nhắc lại vào đầu năm nay tại Kota Kinabalu (Malaysia). Hai nước đưa ra và cổ vũ cho đề nghị này là Singapore và Malaysia với đề xuất chọn múi giờ 8 làm múi chung cho khối.
Theo những người đề xuất thì múi giờ chung sẽ đem lại nhiều lợi ích. Các chính phủ trong khối sẽ giao tiếp thuận tiện hơn, nhất là khi họp trực tuyến ngày càng phổ biến; Việc kinh doanh, nhà băng, thị trường chứng khoán, hàng không...sẽ tiện lợi khi dùng chung múi giờ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; Sẽ trở thành dấu ấn lịch sử trong việc xây dựng cộng đồng chung ASEAN giống như việc chọn tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc chính thức trong khối.
Việc chọn múi giờ thứ 8 theo những người đề xuất là để gắn bó với khối kinh tế Hoa ngữ (Trung Quốc đại lục, Macau, Hong Kong, Đài Loan) nhất là sau khi có hiệp định FTA TQ - ASEAN.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến phản đối việc áp dụng múi giờ chung cho cả ASEAN.
Cụ thể, về liên kết kinh tế: Thiết lập múi giờ chung là không cần thiết, dẫn chứng là Liên minh châu Âu (EU) có tới ba múi giờ (thí dụ Anh múi UTC+0, Pháp UTC+1, Hy Lạp UTC+2). Các nước thuộc Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) trải dài 8 múi giờ mà vẫn hoạt động hiệu quả.
Chứng khoán không chỉ bị ảnh hưởng bởi Shanghai Composit Index (Thượng Hải) hay Hang Seng (Hong Kong) ở múi giờ 8 mà còn gắn với Nikkei (Tokyo, Nhật Bản), Kopsi (Seoul, Hàn Quốc) thuộc múi giờ 9, chỉ số Sydney (Australia) ở múi giờ 10 hay NYSE ở New York (Mỹ) chậm hơn cả nửa ngày so với múi 8....
Các nước ASEAN không chỉ ký FTA với Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia FTA với nhiều đối tác có múi giờ rất khác nhau như Hàn Quốc, liên minh kinh tế Á Âu, TPP...
Về địa lý: Sự chênh lệch kinh tuyến sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân địa phương khi sử dụng múi giờ chung. Nếu sử dụng múi giờ chung là 8 thì sự lệch lớn nhất lên đến 1,5 giờ, nếu chọn múi 7 thì lệch lớn nhất là 1 giờ. Như vậy nhiều cư dân của khối sẽ phải đi làm khi trời còn tối và giờ cầu nguyện của các tín đồ cũng khá bất tiện. Hiện nay Đông Timor (múi giờ 9) và Papua New Guinea (múi giờ 10) đang là ứng cử viên hay quan sát viên của ASEAN, nếu sau này hai nước trên gia nhập khối thì sự phiền toái về múi giờ chung còn lớn hơn nữa.
Riêng Việt Nam còn một điều cũng cần lưu ý đó là âm lịch gắn với ngày giỗ kị, với ngày lễ tết, hội hè của dân tộc. Âm lịch chúng ta đang dùng theo Quyết định của Chính phủ được tính theo múi giờ thứ 7 nên nhiều lúc khác với lịch Trung Quốc tính theo múi 8. Giả sử ASEAN chọn múi giờ 7 làm múi giờ chung liệu cộng đồng người Hoa có tính lại âm lịch theo múi giờ mới, chắc chắn là không và họ sẽ dùng lịch Trung Quốc như cũ. Và chúng ta cũng chẳng nên dùng lịch khác với lịch vốn là đặc trưng cho vị trí địa lý của nước ta dù có phải chuyển sang múi giờ chung khác múi giờ 7.
Với những lập luận ở trên rõ ràng là ASEAN không cần thiết phải áp dụng múi giờ chung.
Trần Tiến Bình
Nguyên cán bộ Phòng nghiên cứu lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ