Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) tại thủ đô Phnom Penh hôm nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị ASEAN tăng cường phối hợp ứng phó biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, cân nhắc xây dựng một Thỏa thuận Xanh (ASEAN Green Deal) nhằm duy trì đà hợp tác của khu vực, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Thỏa thuận xanh là mô hình đã được Liên minh châu Âu xây dựng, tập hợp các sáng kiến chính sách nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng các biện pháp mới và nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế vì một tương lai bền vững.

Các ngoại trưởng tham gia phiên họp trong khuôn khổ AMM-55 ngày 3/8. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Ông Hun Sen cũng cho rằng ASEAN nên khai thác tối đa tiềm năng và lợi ích của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng từ tác động của Covid-19 đến đối đầu giữa các nước lớn, từ nguy cơ chạy vũ trang tới diễn biến phức tạp tại Myanmar và Ukraine.
Các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đặt ra nhiều khó khăn cho khu vực nói chung và ASEAN nói riêng.
Sau lễ khai mạc, các ngoại trưởng ASEAN tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị AMM-55 với tinh thần "ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung".
Các nước đã thảo luận về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác hàng hải, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, nhất trí ASEAN cần phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, hành động thống nhất và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, củng cố hệ thống y tế, cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng.
Trong quan hệ đối ngoại, hội nghị nhấn mạnh ASEAN cần tiếp cận cân bằng, có tiếng nói chung, phát huy hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đề cao đối thoại, thúc đẩy tin cậy và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Myanmar, hoan nghênh và ủng
hộ nỗ lực của Chủ tịch ASEAN và Đặc phái viên của Chủ tịch trong hỗ trợ thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Các Bộ trưởng cũng trao đổi về các giải pháp để ASEAN tham gia hiệu quả, xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại ở Myanmar.
Về những diễn biến mới trên Biển Đông, tình hình cạnh tranh nước lớn, xung đột Ukraine và bán đảo Triều Tiên, các nước kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh gây phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tinh thần và nguyên tắc các văn kiện chung như Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982...
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn, chủ tịch hội nghị năm nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, mong Campuchia hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2022.
Hai bộ trưởng cũng trao đổi về biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, quyết tâm đạt kim ngạch thương mại hai chiều vượt 10 tỷ USD trong 2022.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng gặp Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta, Bộ trưởng Thương mại quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling để
trao đổi thúc đẩy hợp tác và phối hợp lập trường tại các hội nghị.
Vũ Anh