Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ảnh: AFP |
Trong hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia chiều qua, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo giữ lập trường vốn có của Trung Quốc rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ nên diễn ra giữa các bên đòi chủ quyền.
Trong hội nghị giữa ASEAN với Nhật, Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen có bài phát biểu nói rằng trong Hội nghị cấp cao ASEAN hôm 18/11, 10 nước thành viên đã đồng ý "không quốc tế hóa" vấn đề tranh chấp.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III phát biểu xin ngắt lời thủ tướng Campuchia và nêu rõ Philippines không đồng tình với nội dung đó.
"Có rất nhiều quan điểm được trình bày hôm qua trong nội bộ ASEAN nhưng tôi không nhận thấy sự nhất trí của ASEAN. ASEAN không phải là con đường duy nhất. Là một nước tự chủ, chúng tôi có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi", tổng thống Philippines phát biểu.
Con đường khác của Philippines có thể liên quan đến Mỹ, đồng minh thân cận của Manila suốt 60 năm qua, và là nước tuyên bố có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.
Ông Hun Sen chấp nhận ý kiến của ông Aquino và thừa nhận ASEAN tiếp tục thất bại trong việc đạt được đồng thuận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc, tờ Philippines Star cho biết.
Phát biểu với các phóng viên, ngoại trưởng Philippines Albert de Rosario nói: "Thống nhất ở đâu? Thống nhất có nghĩa là phải 100%. Làm sao có thể thống nhất trong khi hai trong số chúng ta nói rằng chúng ta không đồng tình", tờ SMH dẫn lời ông.
Các thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Biển Đông là nơi có trữ lượng dầu khí và hải sản lớn, cũng là nơi có tuyến vận tải thương mại quan trọng bậc nhất thế giới.
Hồi tháng 7, bất đồng tương tự về việc đề cập đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, đã khiến hội nghị ngoại trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung, điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của Hiệp hội. Với nỗ lực của Indonesia, sau đó các nước trong khối đã thống nhất được một tuyên bố gồm 6 điểm về vấn đề Biển Đông, văn bản được cho là nhằm cứu vãn sự thống nhất quan điểm giữa các thành viên của khối.
Trong cuộc họp giữa ASEAN và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bày tỏ mối quan tâm về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Ông kêu gọi các bên tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên.
"Biển Đông là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Noda phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN. "Điều quan trọng là các bên liên quan cần hành động dựa trên luật pháp quốc tế", thủ tướng Nhật nói.
Ngoài ra, theo thông tin của nước chủ nhà Campuchia, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 7 diễn ra trong ngày 20/11. Mỹ nhiều lần kêu gọi các bên đi đến thống nhất về một Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông, thường được gọi là COC.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN hôm chủ nhật, cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đi đến thỏa thuận về COC, cũng như tôn trọng tuyên bố 6 điểm về Biển Đông.
Hôm nay, Hội nghị câp cao Đông Á diễn ra trong sự chú ý đặc biệt của thế giới, có sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Khoảng 2.300 phóng viên đã đến tham gia đưa tin về các hội nghị ASEAN.
Hội nghị cấp cao Đông Á năm nay diễn ra trong thời điểm có nhiều thay đổi chính trị ở các nước lớn. Mỹ vừa bầu cử tổng thống xong, khẳng định Obama tại nhiệm 4 năm nữa. Trung Quốc cũng vừa hoàn tất Đại hội đảng Cộng sản, chuyển giao quyền lực cho một thế hệ mới. Bầu cử tổng thống và tuyển cử sắp diễn ra trong tháng 12 ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống Nga Putin, sau khi trở lại phục vụ nhiệm kỳ lần 3, cũng cho thấy quyết tâm lấy lại vị thế ở Đông Á.
Vũ Hà