Đại diện các nước ASEAN và Australia, Ủy ban châu Âu (EC) trong hai ngày 12/3 và 13/3 đã bàn về việc xây dựng quy tắc hướng dẫn và ứng xử chung cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cho biết.
Các đại biểu đánh giá thảo luận này có ý nghĩa cấp thiết trước sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng cảnh sát biển ở khu vực. Việc đưa ra quy tắc ứng xử chung sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các lực lượng nói trên, giúp ngăn ngừa sự cố có thể phát sinh.
Đây là một nội dung chính trong Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ hai, với chủ đề tăng cường hợp tác khu vực trong thực thi pháp luật trên biển do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cùng EC tổ chức. Sự kiện diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Đại diện Việt Nam đề xuất tập trung thảo luận về các biện pháp khả thi giúp tăng hợp tác giữa các bên, góp phần bảo đảm ổn định, an ninh và tự do đi lại trên các vùng biển và đảm bảo an toàn cho người đi biển.
Phía Australia cho rằng các nước cần thiết lập cơ chế để bảo vệ trật tự trên biển, EC cam kết tăng hợp tác bảo đảm an ninh ở châu Á, trong đó an ninh biển là một ưu tiên. Về lĩnh vực nghề cá, đại diện các nước nhấn mạnh yêu cầu phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân, bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với họ.
Hiện nay các cơ chế tiêu biểu gồm có hợp tác song phương của cảnh sát biển Trung Quốc và Philippines, Australia và Indonesia ngăn đánh cá trái phép, Singapore đóng vai trò điều phối chung.
Hội thảo lần này nằm trong chuỗi hoạt động triển khai Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Được thông qua năm 2016 theo sáng kiến của Việt Nam, Tuyên bố kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các thành viên ARF tăng hợp tác thực chất. Kết quả hội thảo này sẽ được báo cáo lên Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác của ARF về An ninh biển, diễn ra vào 14-15/3 tại Đà Nẵng.
Được thành lập từ năm 1994, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) nhằm mục tiêu thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước về các vấn đề chính trị - an ninh, qua đó đóng góp cho hoà bình, ổn định và xây dựng lòng tin ở khu vực. Hiện ARF có 27 nước và tổ chức tham gia. Trong số các nhóm công tác của ARF, Việt Nam, Australia và EU đang là đồng chủ trì Nhóm công tác chuyên trách về an ninh biển của ARF trong nhiệm kỳ 2018-2020.